Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ quyền riêng tư bị xâm phạm khi các chính phủ theo dõi việc di chuyển của người dân nhằm ngăn chặn đại dịch.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nỗi kinh hoàng về tự do dân sự mà nó để lại khiến việc soạn thảo Tuyên ngôn nhân quyền được đưa lên thành nhu cầu cấp thiết. Theo thời gian, quan niệm về tự do dân sự cũng dần được bồi đắp đáng kể và được định hình rõ rệt đến ngày hôm nay. Nhưng một lần nữa, lịch sử loài người lại tiếp tục đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn là Covid-19, kéo theo những lo lắng về việc một trong những quyền cơ bản nhất của con người bị vi phạm: quyền riêng tư.
Việc đối phó virus lan rộng đồng nghĩa với việc phải giám sát bệnh nhân bị nhiễm virus và cả những khả năng họ vô tình truyền nhiễm cho những người xung quanh.
GPS trên smartphone có thể theo dõi vị trí của các ca nghi nhiễm. Ảnh: Reuters. |
Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran hay Israel đã áp dụng nhiều biên pháp công nghệ để theo dõi việc di chuyển của người dân, trong đó chủ yếu là thông qua điện thoại. Một loạt công ty giám sát, từ công ty phần mềm Palantir của Mỹ do CIA đứng sau đến hãng chuyên phát triển phần mềm gián điệp (spyware) NSO Group của Israel, cũng đưa ra dịch vụ tương tự cho các chính phủ trên toàn thế giới. Thậm chí, một số người trong các nhóm hoạt động bảo vệ quyền riêng tư cũng ủng hộ việc tăng cường công nghệ theo dõi để chống lại sự bùng phát của dịch bệnh, bỏ mặc việc đối tượng bị giám sát có đồng ý hay không.
Đầu tháng 3, các chuyên gia y tế, dịch tễ học cũng như công nghệ đã ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi Apple, Google chỉnh sửa hệ điều hành, cho phép người sử dụng được cảnh báo mình có đang đứng trong vùng có ca dương tính với nCoV, hay không để tự có biện pháp phòng ngừa, cách ly. Trong đó, có Peter Eckersle - một hãng công nghệ thành viên nổi tiếng thuộc tổ chức Electronic Frontier Foundation chuyên về các quyền liên quan đến kỹ thuật số và Tristan Harris - người từng là nhà đạo đức học của Google và hiện là nhà phê bình khét tiếng trong các hoạt động phản đối các hoạt động xâm phạm quyền riêng tư từ các "ông lớn" công nghệ.
Nhưng những sự đồng thuận này cũng không khiến hồi chuông cảnh báo về quyền riêng tư bị xâm phạm ngưng gióng.
Hoạt động theo dõi gây tranh cãi
Israel đang đặc biệt gây lo ngại vì bối cảnh nước này thực hiện việc theo dõi bằng công nghệ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang bị buộc tội tham nhũng và có thể sớm mất việc, kéo theo sau đó là cuộc bầu cử thứ ba trong năm. Đối thủ của Benjamin Netanyahu là Benny Gantz được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ. Tuần trước, nội các của chính quyền Netanyahu đã phê duyệt các quyền hạn khẩn cấp, đồng thời đóng cửa Knesset (Quốc hội Israel) và hệ thống toà án của nước này, cho phép cơ quan tình báo Shin Bet được phép bí mật theo dõi các ca nhiễm và nghi nhiễm virus Covid-19 qua sóng di động.
Động thái mới của Israel cho phép hàng trăm người dân nước này từ ngày 25/3 được nhận tin nhắn cảnh báo mình đang đứng gần người nhiễm SARS-CoV-2. Tuy vậy, một số người cho rằng đây là hành động này mang tính lạm quyền. Gabi Ashkenazi - một nhà chính trị cấp cao của Đảng Xanh và Trắng của Benny Gantz, cho rằng việc phê chuẩn biện pháp theo dõi như vậy là "không phù hợp trong hoàn cảnh này, khi không có sự giám sát của công chúng và quốc hội".
Từ lâu, Trung Quốc bị xem là đất nước có niềm "đam mê" với việc giám sát người dân theo cách xâm phạm. Đây cũng là một trong số các quốc gia hăng hái áp dụng các hệ thống theo dõi rộng rãi để chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19. Nhưng nhiều người lo ngại, một khi những công cụ giám sát như nhận diện gương mặt hay theo dõi địa điểm được tung ra, chúng ít có khả năng được thu hồi nếu hoàn thành xong nhiệm vụ ban đầu.
Ở Hàn Quốc, camera theo dõi, phần mềm giám sát điện thoại và tài chính cũng được triển khai rộng rãi nhằm ngăn chặn sự lan rộng của virus. Mặc dù vậy, các văn bản hướng dẫn an toàn được gửi đi từ những dịch vụ này cũng nhận lại nhiều phản ứng không mấy chào đón từ người dân khi chi tiết về cuộc sống riêng tư cũng như việc di chuyển của họ bị tiết lộ.
Trong những trường hợp như vậy, dân chúng gần như ý thức được rằng mình đang bị giám sát và phải làm quen với việc đó.
Tuy vậy, ở Iran, chính phủ này lại tung ra một ứng dụng có tên AC19 để người dân tải về với lời thuyết phục rằng hãy "tự quyết định mình có cần theo dõi xem bản thân và những người yêu thương có bị nhiễm nCoV không". Họ không nói rõ cho người sử dụng biết AC19 thu thập thông tin cá nhân và theo dõi địa điểm theo thời gian thực. Quan trọng hơn, ứng dụng này cũng không có tính năng chẩn đoán việc nhiễm virus.
'Bài toán' ẩn danh
Các cơ quan quản lý liên quan đến quyền riêng tư cứng rắn nhất cho rằng việc theo dõi người dân trong tình cảnh Covid-19 bùng nổ mà không xâm phạm quyền con người là hoàn toàn có thể.
Ngày 26/3, Uỷ ban Bảo vệ Dữ liệu châu Âu, bao gồm tất cả cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia lẫn địa phương ở Liên minh châu Âu, cho biết Quy định Bảo vệ Dữ liệu Tổng quát của Khối EU "không làm cản trở các biện pháp nhằm chống lại đại dịch". Vì vậy, nếu các cơ quan công quyền lẫn người sử dụng lao động cần xử lý dữ liệu của những người liên quan để phục vụ việc chống dịch, họ không cần phải xin phép trước khi làm.
Uỷ ban này nói, các chính phủ có thể thông qua luật khẩn cấp, cho phép họ yêu cầu các hãng khai thác dịch vụ di động cung cấp dữ liệu về vị trí của người dùng, cả khi các dữ liệu đó không được ẩn danh hay được thu thập chỉ khi có sự cho phép - điều kiện vốn được quy định trong Chỉ thị bảo vệ quyền riêng tư điện tử được đặt ra bởi EU.
Tuy vậy, họ bổ sung: "Các cơ quan công quyền trước tiên nên xử lý thông tin địa điểm người dùng theo cách ẩn danh, nhằm tạo ra các bản báo cáo về mức độ tập trung của thiết bị di động ở một địa điểm nhất định nào đó... Các giải pháp ít xâm phạm nhất phải được ưu tiên, tất nhiên phải tính đến việc đạt được một mục tiêu cụ thể".
Cách tiếp cận được đưa ra giống với việc Anh đang làm. Chính phủ nước này đã đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ di động về việc sử dụng dữ liệu địa điểm của người dùng theo cách ẩn danh.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu việc khai thác triệt để dữ liệu địa điểm của người dùng di động trong khi vẫn phải đảm bảo được tính ẩn danh có khả thi hay không. Theo Eiko Yoneki, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Máy tính của Đại học Cambridge (Anh), bài toán này khá lắt léo.
Yoneki từng là người đồng phát triển ứng dụng FluPhone hồi năm 2011, cho phép theo dõi hành vi của người dùng trong suốt đại dịch cúm diễn ra vào cùng thời điểm. Nhà nghiên cứu cho biết các dữ liệu ẩn danh có thể phản ánh sâu sắc về việc dịch bệnh có thể lây lan thế nào thông qua việc tiếp xúc giữa người với người. Tuy vậy, đôi lúc, việc xoá bỏ sự ẩn danh vẫn có thể khả thi, nếu so sánh tương quan dữ liệu thu được với thông tin khác do chính phủ nắm giữ. Nếu việc này chỉ đơn thuần là xác định đối tượng bị nhiễm virus và ngưng việc lây lan của họ sang các đối tượng xung quanh, việc đối chiếu thông tin để tìm ra các ca bị nhiễm sẽ giúp thay đổi tình hình đáng kể.
"Nếu muốn bảo vệ cộng đồng hay ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm trong tương lai, hay nếu tình hình buộc người ta phải làm bất cứ điều gì để chống dịch, tôi đoán rằng chúng ta không có cơ hội nào để duy trì việc ẩn danh. Một mức độ nào đó về danh tính, nhận dạng phải được tiết lộ để phục vụ cho việc này", Yoneki cho biết.
Các giới hạn cần được đặt ra
Một câu hỏi được đưa ra là: Nếu tình trạng khẩn cấp kết thúc, những dữ liệu thu thập được và cả hệ thống theo dõi được đặt ra để phòng chống dịch sẽ được sử dụng ra sao?
Eva Blum-Dumontet, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức tự do dân sự Privacy International có trụ sở ở Anh, đã làm một phép so sánh giữa tình trạng hiện tại với các biện pháp giám sát hàng loạt được đưa ra sau vụ tấn công 11/9. Sau thảm hoạ 11/9, hàng loạt hệ thống gián điệp trực tuyến được triển khai và được sử dụng cho nhiều mục đích khác ngoài ngăn chặn khủng bố. Tháng 6/2013, Edward Snowden - một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA, Mỹ) - đã tiết lộ tin mật về chương trình do thám toàn cầu do các cơ quan tình báo Mỹ và Anh điều hành dựa trên nền tảng các hệ thống này, khiến Privacy International đã liên tục kiện chính quyền Anh vì lý do liên quan.
"Một trong những quan tâm chính của chúng tôi là: Đây thực sự là biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng trong thời kỳ dịch bệnh, hay chuyện gì sẽ còn xảy ra nữa?", Blum-Dumontet đặt câu hỏi. "Chúng ta đã nhìn thấy điều tương tự xảy ra đối với vấn đề khủng bố... Chúng ta chẳng có vẻ gì là sẽ trở lại bình thường cả".
Theo bà Blum-Dumontet, các biện pháp giám sát mới của Israel được Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này trực tiếp thông qua mà không cần sự giám sát của quốc hội, đồng thời cũng không giải thích rõ ràng về tình hình hiện tại cũng như đặt ra hạn chót để kết thúc những giải pháp này. Mọi thứ bỏ ngỏ buộc Toà án Tối cao của Israel phải xen vào và yêu cầu thực hiện giám sát mang tính lập pháp đối với các biện pháp này.
Ngày 20/3, một đại diện của Bộ Y tế Israel chia sẻ trên phương tiện truyền thông địa phương rằng các biện pháp giám sát sẽ được tiếp tục ngay cả khi quốc gia này phong toả cả nước. Bởi chúng cho phép những người điều hành theo dõi công dân của mình ngay cả khi ở trong nhà. "Cách ly không đồng nghĩa với việc chỉ ở trong nhà. Nó còn có nghĩa là ở phòng tách biệt", người đại diện cho biết.
Vậy các chính phủ sẽ ứng phó thế nào trong tình cảnh hiện tại? Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Ron Wyden, Thượng nghị sĩ bang Oregon (Mỹ), nói: "Phải có quy trình để các thông tin thu thập được an toàn, và phải xoá những thông tin này ngay khi chúng không còn được sử dụng nữa". Trong bối cảnh ở Mỹ, theo ông Wyden, việc này nhằm đảm bảo "các cơ quan hành pháp không dùng những thông tin này để chống lại người Mỹ".
Theo bà Blum-Dumontet, những biện pháp giám sát chỉ nên được đưa ra bởi các cơ quan y tế cộng đồng sau khi họ đã thảo luận với quốc hội về tỷ lệ, mức độ triển khai.
"Chúng ta rồi sẽ nhận ra cái gì hữu hiệu trong việc giải quyết khủng hoảng", bà nói. "Đó là việc phải chuẩn bị cho dân chúng sẵn sàng tinh thần để phong toả, là việc phải xét nghiệm thật nhiều, là phải có một hệ thống chăm sóc sức khoẻ mạnh mẽ".
Đức Trí/vnexpress.net
https://vnexpress.net/so-hoa/sau-covid-19-se-la-cuoc-chien-ve-quyen-rieng-tu-4076770.html