Bác sĩ bật khóc khi đồng nghiệp khỏi Covid-19

Thứ 5, 09.04.2020 | 08:24:48
714 lượt xem

"Bác sĩ Thành chính thức khỏi bệnh rồi đúng không?", một người hỏi. Bác sĩ Mai bật khóc vì xúc động: "Đúng vậy!"

Chị Mai không thể kìm lòng, dù trước đó đã biết bác sĩ Thành có kết quả hai lần âm tính nCoV. Đứng tại sảnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đông người vây quanh, chị lấy tay lau vội nước mắt, giọng nghẹn ngào: "Bác sĩ Thành đã khỏi bệnh và được xuất viện. Chúng tôi thực sự rất mừng!".   

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai là Phó trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp. Còn bác sĩ Thành, 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu, là bác sĩ đầu tiên bị lây nhiễm nCoV.   

Bác sĩ Mai chia sẻ: "Những ngày điều trị cho Thành, tôi chưa thấy bạn ấy than thở một lời hay sợ rằng bệnh tình sẽ trở nặng. Ngược lại, lúc nào Thành cũng áy náy vì đã không thể tự bảo vệ bản thân, để nhiễm bệnh. Bạn ấy còn thường xuyên lo lắng, hỏi han xem đồng nghiệp có ai bị lây bệnh không".

Đã có 27 năm trong nghề, từng chứng kiến nhiều niềm vui, nỗi buồn tại nơi đây, song đây là lần hiếm hoi bác sĩ Mai xúc động như vậy.

Tháo cặp kính xuống lộ rõ đôi mắt đỏ hoe, còn rưng rưng, chị Mai nói: "Tôi rất lo và thương cho Thành. Mong rằng sẽ không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh nữa".

Bác sĩ Mai nghẹn ngào, xúc động khi nhắc đến đồng nghiệp bị nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Ảnh: Ngọc Thành

Bác sĩ Mai xúc động khi nhắc đến đồng nghiệp bị nhiễm nCoV đã khỏi bệnh. Ảnh: Ngọc Thành

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai kể, lúc biết tin bác sĩ Thành nhiễm virus, tất cả mọi người trong khoa lo lắng lắm. Chị Mai mạnh mẽ hơn các nhân viên của mình, nên thường xuyên động viên: "phải lo lắng nhưng không được sợ hãi".

Bác sĩ phổ biến đến nhân viên trong khoa rà soát lại quy trình chống nhiễm khuẩn với tiêu chí "mình phải làm chặt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa. Sợ nhất là các nhân viên y tế nhiễm bệnh". Một tháng nay, bác sĩ cũng như tất cả mọi người, không dám và không thể về nhà.

"Khó khăn nhất là vừa điều trị bệnh nhân, vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch, tránh lây chéo", bác sĩ chia sẻ. Trước hết, kỹ năng mặc quần áo bảo hộ phải cẩn thận từng ly một, bởi chỉ sai trong khâu đấy thôi là nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh.

Chị và nhân viên gần như phải mặc đồ bảo hộ 24 giờ một ngày. "Tôi có điều kiện tốt hơn là ở một mình trong một phòng, nên có thể bỏ khẩu trang ra được. Còn các nhân viên không dám bỏ, dù giường nghỉ của các bạn phải đảm bảo khoảng cách 2 mét", chị nói.

Phòng bệnh không có camera theo dõi, bác sĩ Mai phải thường xuyên vào nhắc nhở các bệnh nhân đeo khẩu trang. "Một phòng có khoảng 4-5 bệnh nhân, mọi người hay quên đeo khẩu trang lắm".

Công việc điều trị bệnh nhân Covid-19   

Công việc của bác sĩ Mai tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp là tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 sức khỏe ổn định, chưa cần hỗ trợ cấp cứu. Hiện có 39 bệnh nhân dương tính đang điều trị tại đây.    Bác sĩ Mai cho biết, khi tiếp nhận, chị cùng nhân viên phân loại bệnh nhân, dựa trên yếu tố dịch tễ, triệu chứng, có tổn thương phổi hay không. Các bệnh nhân cùng yếu tố dịch tễ, cùng tình trạng bệnh ở chung một phòng. Khi điều trị, bệnh nhân có kết quả âm tính sẽ được chuyển sang một phòng khác. Mỗi lần luân chuyển bệnh nhân, bác sĩ Mai và đồng nghiệp có nhiệm vụ vệ sinh lại phòng, mời đội kiểm soát nhiễm khuẩn đến để sát khuẩn.

Bệnh nhân không có tổn thương phổi sẽ phân loại thành một nhóm, 6 ngày chụp cắt lớp vi tính (CT) một lần, 3 ngày chụp X-Quang một lần để đánh giá xem bắt đầu có tổn thương phổi hay chưa. Khi bắt đầu có tổn thương thì sẽ dùng thuốc kháng virus.

Là Phó trưởng khoa, bác sĩ Mai phân chia công việc cho nhân viên ra 2 nhóm, mỗi nhóm gồm 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, làm việc trong 14 ngày, sau đó nghỉ, thay cho nhóm kia. Ngoài ra còn có một nhóm nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1, được huy động chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, nếu hai nhóm mệt quá sẽ vào thay.

Khác với giai đoạn đầu chỉ có 16 bệnh nhân, thời điểm này lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều, rất nhanh, bệnh cảnh lâm sàng cũng nặng hơn rất nhiều. "Chúng tôi luôn luôn cố gắng để bệnh nhân không bị những tác dụng phụ, đẩy xuống tình trạng nặng, làm nặng gánh thêm cho khoa cấp cứu, khoa hồi sức tích cực", bác sĩ bộc bạch.

Toàn bộ những người tham gia điều trị ngày nào cũng phải ngồi với nhau hội ý về từng trường hợp từng bệnh nhân, có sự hỗ trợ của Bộ Y tế cũng như hội đồng chuyên môn của Bộ. 

            Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai trong ngày bệnh nhân Covid-19 xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai trong ngày bệnh nhân Covid-19 xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 7/4. Ảnh: Ngọc Thành

Một tháng chưa về nhà, "tôi nhớ nhà lắm", chị nói. "Nhưng bây giờ thuận lợi là có phương tiện truyền thông nên cũng đỡ, tôi có thể nhìn thấy mặt các con. Các cháu cũng lớn rồi nên quen với việc không có mẹ ở nhà".

Nhịp sinh hoạt ở viện lúc đầu vào có hơi bị thay đổi, chị mất ngủ, về sau mới quen dần. Chị cười: "Giờ có khi mọi người lại thấy thích như thế".

Đồ bảo hộ bức bí, mọi người cười bảo nhau: "Mặc cái này vã mồ hôi nhiều quá chẳng cần đi vệ sinh".

Bác sĩ cho biết, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, bệnh nhân sức khỏe ổn định nên vẫn có thể tự làm các công việc sinh hoạt cá nhân được, các bác sĩ đỡ vất vả hơn. Song, cái khó là một số bệnh nhân nhập viện, lúc đầu không hợp tác, bác sĩ Mai cũng mọi người phải "đả thông tư tưởng".

Từng tham gia rất nhiều đợt dịch như dịch tả, sốt xuất huyết, sởi... nhưng khi chứng kiến ngày một nhiều các bệnh nhân khỏe lại và xuất viện, chị Mai không giấu nổi niềm vui.

Ngày 7/4, 11 bệnh nhân xuất viện, bác sĩ Thành trong danh sách khỏi bệnh nhưng anh không có mặt.

"Nhưng, tôi biết, bạn ấy đang theo dõi và âm thầm chúc mừng vì thành quả chúng tôi", bác sĩ Mai nói.


Thúy Quỳnh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/bac-si-bat-khoc-khi-dong-nghiep-khoi-covid-19-4081343.html

  • Từ khóa