Các bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố Cần Thơ phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, quy định rõ đối tượng được phép chở.
Khi chở phải kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn xuống bến đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hành khách là 2m, nhân viên phục vụ và hành khách phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Đó là quy định của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Cần Thơ tại bến đò khi đưa khách qua sông.
Các bến đò ngang sông kẻ vạch và phải chở đúng đối tượng. |
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết, trên địa bàn thành phố có 89 bến khách ngang sông, tất cả đều tạm dừng 15 ngày, từ ngày (1/4). Riêng các trường hợp hoạt động công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, đi khám chữa bệnh và chở bệnh nhân đi cấp cứu thì vẫn được phép hoạt động. Do vậy, các bến khách ngang sông được phép phục vụ các hoạt động nêu trên. Đã có một số bến thực hiện tốt vấn đề này.
Ông Lê Tiến Dũng cũng cho biết thêm, ngày (6/4) Sở cũng có công văn số 771 hướng dẫn đối với các bến khách ngang sông. Trong đó đề nghị các chủ bến phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch; đồng thời phải quy định rõ đối tượng được phép chở; phải kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn xuống bến đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hành khách là 2m, nhân viên phục vụ và hành khách phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn khi chuyên chở; đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
“Chúng tôi cũng đã thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nhắc nhở các chủ bến khách ngang sông phải thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải, cũng như các yêu cầu của Sở GTVT để phòng, chống tốt nhất dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ và của UBND thành phố Cần Thơ”, ông Dũng nói.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT thành phố Cần Thơ cho biết thêm, đối với nhu cầu đi lại của công nhân tại khu công nghiệp, hiện Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu Công nghiệp Cần Thơ đang làm việc với các doanh nghiệp thống kê nhu cầu đi lại của công nhân từ phía bờ tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp sang Cần Thơ để làm việc và ngược lại, để làm căn cứ trao đổi với Vĩnh Long và Đồng Tháp xem xét, giải quyết./.
Phạm Hải/VOV.VN