Hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ những hạn chế, thiếu tính ổn định,... gây khó khăn cho việc thực hiện và chưa đủ mạnh về pháp lý.
Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Công an, Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã được các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia đóng góp ý kiến và hoàn thiện dự thảo. Trước đó, dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ và dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng Luật Giao thông đường bộ cũng đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ công an để lấy ý kiến của người dân.
Hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ những hạn chế, thiếu tính ổn định,... gây khó khăn cho việc thực hiện và chưa đủ mạnh về pháp lý. |
Theo đó, rất nhiều ý kiến đóng cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật đảm bảo TTATGT đường bộ để đảm bảo tốt hơn An ninh trật tự (ANTT) trên đường, an toàn hơn cho người dân khi tham gia giao thông.
Trong tờ trình, Bộ Công an nêu rõ, hiện nay hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, thiếu tính ổn định, không tập trung, thống nhất gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện và chưa đủ mạnh về pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cả về bảo đảm ANTT, TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.
Trong khi đó, ý thức, kỹ năng của người tham gia giao thông rất hạn chế, nhiều người coi thường pháp luật, vi phạm TTATGT vẫn diễn ra phổ biến; tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp; việc đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cần quan tâm huy động nhiều nguồn lực hơn.
Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính, tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày thiệt hại 300-500 tỷ đồng.
Những nỗ lực của lực lượng chức năng và các cấp chính quyền trong kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông. Việc kiềm chế ùn tắc giao thông chủ yếu vẫn dựa trên sức người, chưa có giải pháp đồng bộ để khắc phục, làm giảm.
Do vậy việc tách bạch hai đạo luật về bảo đảm TTATGT với xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý kinh doanh vận tải, sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết hai vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong tình hình hiện nay, tạo hệ thống pháp lý đủ mạnh trong phân công quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn nhằm kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ là xu hướng xây dựng pháp luật hiện đại.
Trong đó điểm mới nổi bật là: Luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Do vậy khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý Nhà nước tốt hơn, đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới./.
Văn Ngân/VOV.VN