Đại dịch Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội. Bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch này.
Báo cáo đánh giá về tác động, thiệt hại với doanh nghiệp bán lẻ do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp phân phối.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tính riêng trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020.
Doanh thu của ngành bán lẻ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) |
Sức mua giảm sút khiến toàn ngành bán lẻ lao đao. Nhiều siêu thị lớn như: Lotte, Co.opmart, Intimex, Aeon Mall… trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, khi có thời điểm doanh thu giảm đến 50%.
Cụ thể, với Lotte, doanh thu tháng 2/2020 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Với Aeon Mall Việt Nam, doanh thu tháng 1 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra.
Với Saigon Co.op Mart, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm nay giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý 2, giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài.
Tương tự, trong thời gian này, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, doanh thu bán lẻ giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê của Aeon Mall Việt Nam, lượng khách đã giảm 20-35%, các mặt hàng bán đều chậm lại, chỉ riêng sản phẩm ăn nhanh, ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là bán nhanh hơn và số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước. Chậm nhất là những mặt hàng như thời trang, giầy dép, điện máy….
Cùng với đó, do dịch bệnh bùng phát, một số lĩnh vực người lao động phải nghỉ làm việc nên nhiều gia đình cũng thắt chặt chi tiêu, ít đi mua sắm hơn, điều này tác động nhiều đến doanh thu của ngành bán lẻ. Chị Khổng Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong gia đình. Gần 1 tháng nay, vợ chồng chị phải nghỉ việc ở nhà dẫn đến thu nhập bị giảm đi đáng kể. Do đó giảm chi phí sinh hoạt, cắt các khoản mua sắm không cần thiết là giải pháp giúp gia đình chị vượt qua những khó khăn trong thời gian này.
Tương tự, gia đình anh Trần Quang Hiệu ở Kim Mã cũng tìm mọi cách để giảm chi tiêu trong thời gian dịch bệnh bùng phát như: hạn chế mua sắm, ăn uống, chi tiêu tiết kiệm hơn…
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tiết kiệm chi tiêu của các gia đình là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là bài toán đặt ra với các doanh nghiệp trong việc chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng; điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, tình hình trên là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn; Trước hết, ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình một cách toàn diện, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phú cho rằng, chất lượng, giá cả hàng hóa kinh doanh phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý, không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ.
“Đây có thể coi là dịp để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Văn hóa kinh doanh càng phải được đề cao. Trong giai đoạn này, những hành vi bán hàng lợi dụng có dịch để trục lợi phải bị phê phán và xử lý kịp thời. Mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, làm ăn tử tế có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh./.
Chung Thủy/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/co-hoi-doi-moi-cho-nganh-ban-le-trong-dai-dich-covid19-1039159.vov