Bơi xuồng bắt ba khía đêm Đất Mũi

Thứ 2, 27.04.2020 | 09:22:44
1,284 lượt xem

Đến Đất Mũi du khách được dịp xuyên giữa rừng mắm, đước bằng vỏ lãi, đi cầu khỉ lẫn bơi xuồng soi đèn bắt ba khía, ốc len về đêm.

Từ bến tàu Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, chiếc vỏ lãi chở 5 du khách nổ máy, chạy hơn một cây số trên con kênh lớn, sau đó giảm tốc độ, rẽ vào con kênh nhỏ hơn, phía trước là rừng đước, mắm bạt ngàn xanh. Đây là một trong bốn tuyến chính của tour du lịch sinh thái Đất Mũi, nơi tận cùng của tổ quốc, cách trung tâm TP Cà Mau hơn 100 km.

Chiếc vỏ lãi chạy chầm chậm từ bìa rừng tiến vào bên trong, trước sự trầm trồ của du khách. Không gian tĩnh lặng, xung quanh chỉ có tiếng chim hót, những vạt rừng xanh biếc nối đuôi nhau bất tận. Ven sông, những gốc đước già nua, hàng chục năm tuổi chìa những chiếc rễ hình thù kỳ dị, lạ lẫm trong khi thân vẫn vươn cao hàng chục mét, xòe tán che cho những cây mắm bên dưới.

Qua hàng chục đoạn rẽ ngoặc, tài công sau khi để du khách chụp, quay phim lưu niệm phong cảnh thỏa thích, chiếc vỏ lãi bất chợt tăng tốc, bỏ lại hệ thống kênh rạch chằn chịt, vọt ra khỏi lõi rừng.

Phía trước là bãi bồi mênh mông nước, do gió khá mạnh, nên lái tàu phải giảm tốc độ, cố hét lớn hướng dẫn cho đoàn khách. Từ xa, khu vực bãi bồi trắng xóa với từng con sóng nhấp nhô tung bọt. Chiếc vỏ lãi cập vào một chòi nghỉ mát được lợp bằng lá dừa nước và thân cây đước nằm chơ vơ giữa biển nước. Đây là trạm dừng chân "độc nhất vô nhị" trên bãi bồi biển Tây, nơi hàng năm phù sa lấn biển 80 – 100 m.

            Mũi Cà Mau, nơi cực nam của tổ quốc, hằng năm bãi bồi biền Tây phù sa lấn biển  từ 80 – 100m. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền

Mũi Cà Mau, nơi cực nam của Tổ quốc, hàng năm bãi bồi biền Tây phù sa lấn biển 80 – 100 m. Ảnh: Huỳnh Văn Truyền.

"Không khí ở đây trong lành quá, có chút ẩm ướt của gió biển, tranh thủ hít thở cho đã, trước khi về lại thị thành", anh Lê Sơn Hà, một du khách đến từ Đồng Nai bảo, khi đứng trên chòi, phóng tầm mắt về phía vạt rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn xa xa. 

Chiếc vỏ lãi chở nhóm người tiếp tục ghé vào một trạm dừng chân thứ hai giữa rừng đước. Trong khi nhóm người đứng bên một cái lán nhỏ bằng sàn gỗ để "check in", một nhóm các em nhỏ đi trên vỏ lãi khác neo gần đó cũng tranh thủ trải nghiệm đi cầu khỉ làm bằng thân cây đước.

"Trước giờ con chỉ thấy cầu khỉ trên phim, lần đầu đi thử thấy sợ nhưng cũng rất thú vị", một em nhỏ nói.

            Một em nhỏ trải nghiệm đi cầu khỉ làm bằng gỗ đước tại điểm dừng chân giữa rừng. Ảnh: Hoàng Nam

Em nhỏ trải nghiệm đi cầu khỉ làm bằng gỗ đước tại điểm dừng chân giữa rừng. Ảnh: Hoàng Nam.

Sau gần một giờ di chuyển với hành trình 20 km, tài công đưa đoàn người trở về các homestay.

7h tối, ông Đào Văn Tài (du khách từ TP HCM) cùng vợ, con trai sau khi tắm rửa, ăn uống được chủ nhà phát cho mỗi người chiếc găng tay vải loại dày cùng đèn pin đội đầu, rồi xuống xuồng bơi ven kênh.

Trong khi bơi xuồng, chủ homestay vừa giới thiệu cho khách về đặc tính sinh sống của ba khía cùng cách thức chế biến các món ngon. Xuồng bơi đến một bụi cây ráng dại, chủ nhà ra hiệu nhóm người giữ im lặng, rồi rẽ mũi xuồng vào. Phía sau đám lá, một con ba khía màu tím lớn bằng cổ tay hiện ra, nhanh chóng bị ông chộp lấy cho vào thùng.

Nhóm khách sau đó lần lượt được hướng dẫn cách bắt ba khía, kết thúc chuyến săn đêm với gần chục con trong xô nhựa.

"Lần đầu tiên tới Đất Mũi, thấy rất đẹp và tuyệt vời, cảnh vật sông nước mênh mông, rừng bạt ngàn, con người rất thân thiện, buổi tối ngoài đi bắt ba khía còn được nghe đờn ca tài tử", ông Đào Văn Tài cho biết.

Tour du lịch xuyên rừng đước, mắm kết hợp các homestay được mở khoảng một năm nay, với gần chục hộ dân địa phương tham gia. Chi phí cho một chuyến tham quan dưới 5 người khoảng 700.000 đồng mỗi lượt, từ 6 đến 10 người một triệu đồng mỗi lượt.

Để thu hút du khách, các chủ homestay còn tổ chức nhiều hoạt động dã ngoại về đêm như câu cá, câu cua, bắt ba khía, bắt ốc len, đục hàu, sổ vuông tôm. Chỉ tính riêng năm ngoái, vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rộng hơn 41.000 ha, là khu Ramsar thứ 2088 trên thế giới, đón hơn 300.000 lượt du khách.

Người dân xứ Cà Mau hay bảo "Cây mắm đi trước, cây đước theo sau". Trong hai loài cây bản địa đặc trưng, mắm là loại cây có bộ rễ chằn chịt mọc lên từ bãi bồi, luôn đi "tiên phong" mở đường, giúp bãi bồi dần nhô lên khỏi mặt nước. Khi nền đất dần cứng, cây mắm ra trái, cũng là lúc cây đước vươn rễ lấn chiếm không gian. Cây đước hưởng phù sa mới, lớn nhanh, trong khi mắm tốn nhiều dinh dưỡng cho bộ rễ nên bị đước che phủ, chết dần. Trong khi mắm chết, hạt của chúng rụng xuống đất được rễ đước giữ lại và tiếp tục hồi sinh theo một vòng đời bất tận vươn ra biển cả.

Ông Trương Văn Sệ, Phó chủ tịch UBND xã Đất Mũi bảo rằng, sự cộng sinh thú vị giữa hai loài cây là điều mà những người dân bản địa có thể học hỏi, nếu muốn sống chung lâu dài với tự nhiên, khai thác kết hợp với bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Toàn xã Đất Mũi có 3.400 hộ dân, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt. Những năm gần đây, do nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, trong khi dân số tăng nhanh, nên kế mưu sinh của người dân cũng gặp khó khăn, phần đông chỉ đủ sống. Du khách đến Đất Mũi không phải chỉ để tham quan rừng, mà vì đây là vùng đất tận cùng thiêng liêng của tổ quốc. Họ thường chọn địa điểm check in quen thuộc như cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, với biểu tượng là chiếc thuyền căng gió, hay cột cờ Hà Nội, công trình điểm cuối đường Hồ Chí Minh hoặc những tour du lịch xuyên rừng. Nhưng nhà chức trách địa phương còn kỳ vọng nhiều hơn thế.

Cùng với việc tuyên truyền người dân không đốn cây rừng, xã đang đề xuất quy hoạch mở rộng khu dân cư ở Đất Mũi thành các khu du lịch cộng đồng như homestay kết hợp nhà hàng, khu bán đặc sản, quà lưu niệm. Mục tiêu lâu dài là để phần đông người dân địa phương được tham gia vào chuỗi giá trị từ du lịch và hưởng lợi.

"Khi mà phần lớn người dân đều có công việc, thu nhập ổn định, ý thức bảo vệ môi trường sống của họ sẽ dần được nâng cao", ông Sệ nói.


Hoàng Nam – Phạm Linh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/boi-xuong-bat-ba-khia-dem-dat-mui-4089872.html

  • Từ khóa