Khai thông thị trường nội địa, xuất khẩu trong bối cảnh “bình thường mới”

Thứ 2, 27.04.2020 | 09:22:00
534 lượt xem

Việt Nam phải làm gì để phát triển kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới” - vừa tập trung chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội?

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề “tái cơ cấu, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế quan trọng gắn với thương mại xuất nhập khẩu và khai thông thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới”.

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ Công Thương xác định việc triển khai thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường” mới như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi cho rằng có một số vấn đề lớn mà Bộ Công Thương cần phải xác định rõ để triển khai thực hiện Chỉ thị này, mà có lẽ Bộ Công Thương phải là một trong những bộ đầu tiên phải tổ chức triển khai thực hiện. Bởi vì toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế cũng như các hoạt động phục vụ cho đời sống xã hội của nhân dân thì có nhiều lĩnh vực do Bộ Công Thương đang thực thi pháp luật cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Đầu tiên, Bộ Công Thương phải xây dựng được các bộ tiêu chí, hướng dẫn để đảm bảo việc tổ chức thực thi có hiệu quả và nghiêm túc các hỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ y tế trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, để tổ chức thực thi các hoạt động để đưa nền kinh tế trở lại bình thường.

khai thong thi truong noi dia, xuat khau trong boi canh
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Vấn đề thứ hai là các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của chúng ta thì lại có nguy cơ rất cao về tụ tập đông người, và vì vậy sự trở lại bình thường của các ngành kinh tế này cho dù đó là các ngành công nghiệp, các phân ngành công nghiệp hay lĩnh vực thương mại thì cũng đều phụ thuộc rất nhiều vào những hướng dẫn, quy định cụ thể để đảm bảo cho an toàn phòng chống dịch bệnh.

Thứ 3, để đưa nền kinh tế trở lại bình thường thì có 2 chủ thể quan trọng, một là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh và hai là người dân và người tiêu dùng. Thì chúng ta phải đảm bảo được khâu tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể này để đảm bảo trở lại hoạt động bình thường.

PV: Vậy Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các trọng tâm nào để triển khai có hiệu quả 3 vấn đề lớn cùng 2 chủ thể quan trọng đó, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi cho rằng có một số nội dung lớn cần tập trung. Thứ nhất, khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh – tức là khu vực sản xuất – chính là nguồn tái chính, tín dụng, nguồn lực. Bởi vì do Covid-19 đã làm giảm thiểu hoạt động của chúng ta và hiệu quả trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp của chúng ta đã rất khó khăn để cầm cự được cho đến nay.

Trong hành loạt lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ cho đến các ngành công nghiệp lớn như ô tô, cơ khí chế tạo... cho đến các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại nội địa, dịch vụ thì chúng ta đều thấy những tác động ghê gớm của dịch Covid-19, thậm chí có tới phân nửa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này phải đóng cửa do tác động của dịch bệnh kéo dài.

Câu chuyện bây giờ, hiện nay là chúng ta phải bằng việc hỗ trợ tối đa của Nhà nước và của các cơ quan chức năng để giúp cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh vượt qua khó khăn để có thể khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, đấy là cơ bản. Chúng ta đã có những gói hỗ trợ qua kênh tài chính tín dụng của ngân hàng… thì việc đầu tiên là phải đảm bảo cho tất cả các gói tín dụng và sự hỗ trợ này nó thực sự có hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, sự đơn giản hóa, minh bạch và kiểm chứng được để doanh nghiệp tiếp cận được đối với các gói tín dụng này là vô cùng quan trọng.

Biện pháp rất quan trọng để đưa doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường thì chúng ta phải hỗ trợ họ trong việc khai thông thị trường. Mà thị trường ở đây bao gồm cả thị trường ngoài nước và thị trường trong nước. Và ngoài ra còn bao gồm cả thị trường thương mại điện tử cũng như các thị trường khác. Vì vậy chúng tôi cho rằng phải có chương trình và kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong từng nhóm ngành hàng, trong từng nhóm sản phẩm và trong từng nhóm thị trường cụ thể... là chúng ta phải nắm rõ các dư địa và cơ hội cho chúng ta.

PV: Đối với thị trường trong nước thì sao,thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với thị trường trong nước thì chúng ta đã có thuận lợi là Thủ tướng và Chính phủ đã cho nới lỏng giãn cách xã hội và mềm hóa một số yêu cầu trong phòng chống dịch bệnh, trừ những khu vực còn có nguy cơ và nguy cơ cao. Đây là cơ hội để chúng ta tiếp tục có biện pháp – một là để tiếp tục khai thác phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thông qua tăng cường hơn nữa kết nối giữa cung với cầu, phát triển hạ tầng thương mại, và đặc biệt là phát triển hạ tầng thương mại và xúc tiến thương mại ở các vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn.

Những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối với khu vực sản xuất, tạo ra các nền tảng, flatform mới, tạo ra kết nối thông qua hệ thống thương mại điện tử và kinh tế số để thúc đẩy phát triển trong giao thương thương mại và phát triển thương mại nội địa. Đây phải được coi là những nội dung quan trọng không chỉ trong trước mắt mà cả trong tái cơ cấu sắp tới của chúng ta.

Phải triển khai sớm và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là phải kịp thời hoàn thiện ngay những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử - kể cả đầu tư phát triển hạ tầng thương mại điện tử lẫn các hoạt động của thương mại điện tử.

Một nội dung khác nữa trong phát triển thương mại nội địa cũng như thị trường trong nước, đó là câu chuyện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như thực hiện quản lý thị trường. Và đây là những nhệm vụ càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong lúc này – khi mà chúng ta đang chịu tác động của dịch bệnh và có những hạn chế và tác động xấu đến thương mại nội địa.

Đảm bảo đời sống của nhân dân và an sinh xã hội, mà đầu tiên là phải đảm bảo được an ninh lương thực, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của nhân dân.

PV: Bộ trưởng cho rằng từ những vấn đề này cho thấy yêu cầu cần phải đẩy nhanh việc tái cơ cấu các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Vậy, theo Bộ trưởng thì cần phải thực hiện như thế nào trong bối cảnh “bình thường mới” - nghĩa là vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở hàng trăm quốc gia trên thế giới?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng tôi cho rằng đây cũng chính là cơ hội của chúng ta, và rõ ràng câu chuyện tổ chức sản xuất lại nông nghiệp theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu của thị trường với truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm và canh tác sản xuất nông nghiệp theo kinh tế thị trường của chúng ta cần phải được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Bởi chúng ta thấy những câu chuyện liên quan tới cả thị trường ngoài nước của chúng ta đã vướng mắc trong thời gian vừa qua... thì đây cũng chính là cơ hội để chúng ta tổ chức lại sản xuất của mình.

Các ngành công nghiệp và thương mại cũng giống như vậy.Chúng ta cũng cần phải tổ chức lại do câu chuyện đứt gãy các nguồn cung của các chuỗi cung ứng trong thời gian vừa qua đã thấy những tác hại, rất nguy hiểm của câu chuyện quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như quá phụ thuộc vào các nguồn cung lớn trong chuỗi cung ứng...

Nội dung cuối cùng chúng tôi cho rằng vẫn là phải đẩy nhanh hơn bao giờ hết cải cách hành chính. Và đây cũng chính là lúc chúng ta phải tiếp tục rà soát lại một cách triệt để nhất và đầy đủ nhất để tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân của chúng ta, đặc biệt là thông qua các dịch vụ công trực tuyến cũng như là các hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật của chúng ta, đặc biệt là khai thác công nghệ thông tin và cơ chế của Chính phủ điện tử...

PV: Thưa Bộ trưởng, Việt Nam là một nền kinh tế mở, sản xuất gắn với thương mại - xuất nhập khẩu. Vậy, câu chuyện đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được tính đến như thế nào trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nhiều đối tác lớn của Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta phải nói thẳng luôn một tình huống như hiện nay là chúng ta bị tác động rất mạnh mẽ và theo hướng tiêu cực của dịch Covid-19 và thế giới cũng vậy. Nhưng qua phân tích và đối với một quốc gia như Việt Nam - với độ mở kinh tế rất lớn như thế này - thì chúng ta biết rằng, kinh tế Việt Nam chỉ có thể hồi phục và phát triển được phụ thuộc vào hai điều kiện: một đây là câu chuyện khống chế và kiểm soát dịch bệnh của chúng ta; Và thứ hai là sự khống chế, kiểm soát dịch bệnh của thế giới cũng như là sự hồi phục của kinh tế thế giới. Bởi vì thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế mới, và giờ thậm chí là nguy cơ suy thoái.

Chúng ta biết rằng những đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam bao gồm từ châu Âu (ở châu Âu trong đó có Anh, Pháp, Đức, Ý) rồi Đông Bắc Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) rồi Bắc Mỹ như là Hoa Kỳ... thì tất cả những nước này đều là những nền kinh tế - đối tác lớn của Việt Nam - đồng thời chiếm tới 60% GDP. Những nước này hiện là “tâm dịch” của thế giới, và đang chịu những hậu quả rất tàn khốc cả về con người cả về nguồn lực khác về kinh tế xã hội.

Thế nhưng chúng ta vẫn có những cách của chúng ta - như Thủ tướng đã chỉ đạo là chúng ta phải đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục phòng chống dịch bệnh nhưng ở một trạng thái mới, ở một giai đoạn mới. Và vì vậy về công tác phát triển thị trường - đặc biệt là thị trường ngoài nước - thì chúng tôi cho rằng cũng có những cơ hội và có cả những thách thức.

Trong 3 tháng đầu năm thì cả 3 cột trụ của nền kinh tế đều có sự sụt giảm, nhưng riêng cột trụ xuất nhập khẩu của chúng ta vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 7,5%. Tất nhiên chắc chắn vẫn còn những độ trễ - nó sẽ tác động xấu sang các chỉ số của quý 2 và quý 3. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng trong xuất nhập khẩu thì chúng ta vẫn còn có những thế mạnh, có sự chống đỡ được.

Dịch bệnh mặc dù vẫn còn phức tạp, diễn biến ở phạm vi cả toàn cầu nhưng một số nước - đặc biệt là những thị trường quan trọng của chúng ta đã có những bước tiến bộ và đạt được những mặt tích cực trong kiểm soát dịch bệnh kể cả trong Đông Bắc Á và trong một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Chúng ta cũng đã có những điều kiện thuận lợi của các cơ chế thương mại cũng như những khuôn khổ hợp tác thương mại song phương như là Việt Nam với Liên minh châu Âu.

Chúng ta cũng đang có sự phối hợp chặt chẽ trong các chuỗi nguồn cung và chuỗi cung ứng của khu vực như chúng ta đang hợp tác với Asean và các nước Đông Nam Á, và bản thân Mỹ chúng ta cũng đang có sự tăng trưởng tốt trong thương mại 3 tháng đầu năm trong xuất nhập khẩu với thị trường Hoa Kỳ...  Tuy nhiên những tác động như tôi nói trong thời gian quý 2, quý 3 sắp tới sẽ thể hiện rất rõ. Vì vậy, chúng ta phải tranh thủ cơ hội để chúng ta tiếp tục đa dạng hóa các thị trường - mà thị trường của các nước còn tiềm năng thì chúng ta tiếp tục khai thác và thông qua các cơ chế hợp tác song phương cũng như những mô hình mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Nguyên Long/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/khai-thong-thi-truong-noi-dia-xuat-khau-trong-boi-canh-binh-thuong-moi-1042150.vov

  • Từ khóa