Câu nói khiến sĩ tử nuốt không trôi cơm: "Con ăn nhiều để lấy sức mà học"

Thứ 2, 16.12.2024 | 08:53:53
489 lượt xem

Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, nhiều bạn trẻ trong giai đoạn thi chuyển cấp, thi đại học ám ảnh với bữa cơm gia đình bởi những câu nói quan tâm của cha mẹ.

Những bữa cơm cực hình của sĩ tử mùa thi

Chiều 15/12, tại Hà Nội, nhiều học sinh đến dự sự kiện tư vấn định hướng nghề nghiệp do Đại học Thành Đô phối hợp với báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức có chung một nỗi lo sợ. Đó là nỗi lo cha mẹ thất vọng về mình.

"Em sợ nếu không đỗ đại học, bố mẹ em sẽ buồn", một nữ sinh tâm sự và nhận nhiều cánh tay đồng tình từ các học sinh khác. 

Không sợ trượt đại học mà sợ bố mẹ buồn là một trong những áp lực tâm lý nặng nề đối với sĩ tử mùa thi. Nhà văn Hoàng Anh Tú, chuyên gia tư vấn tại sự kiện, nhận định, đó là áp lực chung của giới trẻ ở bất kỳ thế hệ nào.

"20-30 năm về trước, khi là "anh Chánh văn" của báo Hoa học trò, tôi cũng nhận được những lá thư từ độc giả thổ lộ về nỗi lo sợ đó. Những độc giả ngày ấy giờ đã trở thành bố mẹ của các em. 

Câu nói khiến sĩ tử nuốt không trôi cơm: Con ăn nhiều để lấy sức mà học - 1

Ông Hoàng Anh Tú tư vấn tâm lý cho sĩ tử mùa thi (Ảnh: Hoàng Hồng).

Dù là thế hệ 8x, 9x hay GenZ thì mỗi lo lắng vẫn giống nhau. Chúng ta ai cũng mong được quan tâm, được yêu thương nhưng cũng chính sự quan tâm yêu thương ấy đôi khi trở thành áp lực nặng nề", ông Hoàng Anh Tú nói.

Dẫn chứng nhiều người trẻ bị rối loạn lo âu do "bị" cha mẹ quan tâm, ông Hoàng Anh Tú kể, có những học sinh không còn nhận ra mùi vị của thức ăn, ăn trong vô thức hoặc không thể nuốt nổi cơm.

Mỗi bữa cơm với cha mẹ là một cực hình. Không phải vì bị cha mẹ mắng mỏ hay thúc giục nhắc nhở chuyện học, mà vì câu nói quen thuộc được lặp lại nhiều lần "con ăn nhiều để lấy sức còn học còn thi".

""Em sợ nhất là những bữa ăn", một học sinh đã nói với tôi như vậy. Sự quan tâm và lo lắng thái quá của cha mẹ bạn ấy truyền sang bạn ấy. Và bạn ấy cảm thấy cha mẹ dường như không tin tưởng vào năng lực của mình, do đó càng căng thẳng hơn", "anh Chánh Văn" chia sẻ.

Từ thực trạng này, ông Hoàng Anh Tú nhắn gửi đến các phụ huynh tham gia chương trình "Làm ơn yêu thương con, nhưng đừng để yêu thương thành áp lực với con".

Ông cũng nhắc nhở phụ huynh hãy thường xuyên quan sát thói quen ăn uống ngủ nghỉ của con. Nếu có những thay đổi bất thường trong thói quen sinh hoạt như ngủ quá nhiều hay ăn quá nhiều, đó đều là những biểu hiện có nguy cơ của rối loạn lo âu, tình trạng căng thẳng quá mức.

Áp lực mạng xã hội: Làm thế nào để đối mặt?

Bày tỏ băn khoăn với các chuyên gia, Vũ Trọng Nghĩa - học sinh trường THPT Việt Hoàng - chia sẻ: "Áp lực từ mạng xã hội đang tác động lớn đến tâm lý các bạn học sinh. Làm cách nào để chúng em có thể đối mặt với các áp lực đó?".

PGS.TS Phan Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô - bày tỏ sự đồng cảm với áp lực có thật của thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số. Bà Thảo cho rằng, có một số thói quen truyền thống có thể áp dụng để hạn chế thời gian dùng mạng xã hội, như dùng sổ bút ghi chép thay vì viết trên điện thoại hay chỉ lưu trữ đường link. 

"Việc ghi chép còn giúp tăng sự tập trung, rèn trí nhớ rất tốt, và giúp các em không lệ thuộc vào thiết bị công nghệ hiện đại", Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô nói.

Ở góc nhìn tâm lý, ông Hoàng Anh Tú khuyên các bạn trẻ cần đặt lòng tin vào bản thân để tăng sức đề kháng khi đối diện với "thành công lý tưởng" của người khác.

Câu nói khiến sĩ tử nuốt không trôi cơm: Con ăn nhiều để lấy sức mà học - 2

Học sinh xin tham vấn về cách vượt qua áp lực mùa thi (Ảnh: Hoàng Hà).

"Những sự hào nhoáng mà ta thấy trên mạng xã hội đều là những trailer thôi. Đó là những gì đẹp nhất, lung linh nhất của mỗi người, còn những cái xấu xí không bao giờ người ta đưa lên. Cũng như khi thấy một cái trailer quá hay, ta bỏ tiền mua vé ra rạp xem phim mới biết đó là một bộ phim "củ chuối".

Vì thế, đừng vì cái trailer của người khác mà tự hạ thấp lòng tự trọng của mình. Tôi muốn nhắc các bạn một điều cực kỳ dễ làm để vượt qua áp lực mạng xã hội, áp lực từ sự 'thành công lý tưởng" của người khác, đó là tin vào bản thân. Tin rằng bản thân có giá trị riêng là tử tế với chính mình", ông Tú nói.

Học trung bình nên chọn trường gì?

Bên cạnh những áp lực tâm lý mùa thi, các sĩ tử lớp 12 cũng trăn trở với việc chọn trường.

Mong muốn vào các trường đại học tốp đầu nhưng học lực chỉ ở mức trung bình, học sinh nên nỗ lực đến cùng để vươn lên hay chỉ nên chọn trường vừa sức? Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Nguyễn Phương Chi đưa ra lời khuyên: "Các em nên chọn ngành học trước, chọn trường học sau".

Bà Chi cho rằng, ai cũng có thế mạnh ở một lĩnh vực nào đó. Học sinh nên khoanh vùng các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của bản thân, sau đó chọn ra ngành học cảm thấy yêu thích nhất, gần với điểm mạnh của mình nhất. Sau đó mới tính toán nên chọn trường gì.

Cũng theo bà Chi, việc chọn trường nên căn cứ vào các yếu tố thực chất hơn, như chất lượng đào tạo của ngành học mục tiêu, học phí, khoảng cách với nơi ở…


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/cau-noi-khien-si-tu-nuot-khong-troi-com-con-an-nhieu-de-lay-suc-ma-hoc-20241215194524517.htm

  • Từ khóa