Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo

Thứ 3, 24.12.2024 | 14:31:36
198 lượt xem

Mỗi năm ước tính có khoảng 2 triệu tấn vi sợi bị thải ra đại dương từ những hoạt động giặt giũ trong gia đình, công nghiệp dệt may và từ một số vật dụng quen thuộc như lưới đánh cá và dây thừng. Đây là kết quả nghiên cứu do Viện nghiên cứu đại dương học Pháp (Ifremer), phối hợp Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), cùng hai Trường đại học Bretagne occidentale và Le Mans (CH Pháp) thực hiện và công bố trên Tạp chí Ô nhiễm Môi trường.

Tính bình quân đầu người, hoạt động giặt giũ áo quần thải ra ngoài môi trường 220.000 vi sợi mỗi ngày. (Ảnh: FranceInfo)


Hoạt động giặt giũ trong gia đình, sản xuất công nghiệp dệt may, đánh bắt cá, dẫn tới việc giải phóng một lượng lớn các sợi siêu nhỏ, bao gồm cả sợi tổng hợp và sợi tự nhiên. 92% vi sợi thu thập được ở ngoài khơi tại một số vùng đại dương trên khắp thế giới chủ yếu đến từ bông và len.

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong một báo cáo công bố vào tháng 2/2020, vi sợi chiếm tới hơn 30% tổng lượng ô nhiễm nhựa ở các đại dương trên thế giới. Tình trạng này dẫn đến một số hệ quả tác động không tốt tới môi trường biển, nhất là sức khỏe của các loài sinh vật biển khi ăn phải những loại sợi này.

Theo bà Camille Détrée, nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Viện nghiên cứu đại dương học Pháp (Ifremer), kiêm giảng viên Sinh học biển tại Đại học Caen-Normandie, những loại sợi tổng hợp và tự nhiên có tác động trực tiếp lên quá trình trao đổi chất của loài hàu ngay cả khi chỉ hấp thụ liều lượng thấp. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy, sợi tự nhiên có độ nhám cao hơn, gây ra tình trạng viêm trong thành tiêu hóa của các loài sinh vật biển, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của chúng còn đáng kể hơn so với sợi tổng hợp.

Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo ảnh 1
Những hạt vi sợi nhựa được tìm thấy trong các cá thể hàu ở vùng biển ô nhiễm nhựa. (Ảnh: FranceInfo)

Độc tính của vi sợi từ các sản phẩm dệt may không chỉ liên quan đến bản chất tổng hợp hoặc tự nhiên của chúng, mà phụ thuộc vào đặc tính vật lý, phương pháp dệt, thành phần hóa học và các chất phụ gia trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, ông Arnaud Huvet, chuyên gia Sinh học biển tại Ifremer, thành viên tham gia dự án nghiên cứu khoa học trên cũng công bố rằng, thời gian tồn tại của vi sợi 100% tự nhiên trong môi trường biển cần từ vài tuần cho tới vài tháng, nhưng phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm đối với vi sợi tổng hợp.

Trên toàn cầu, 24.400 tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương, một phần ba trong số đó đến từ quần áo, phần còn lại đến từ rác thải nhựa đã phân hủy, thậm chí từ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hằng ngày của con người.

Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo ảnh 2
Các hạt nhựa được tìm thấy tại bờ biển thành phố Le Havre (CH Pháp) vào tháng 2/2023. (Ảnh: FranceInfo)

Số lượng vi sợi nhựa được giải phóng nhiều nhất trong 5-10 lần giặt quần áo đầu tiên. Thế nhưng, các sản phẩm may mặc ngày nay sử dụng tỷ lệ sợi tổng hợp ngày càng nhiều, ước tính lên tới hơn 60%. Thực tế này càng làm gia tăng đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường biển.

Những vi sợi nhựa nhỏ đến mức dễ dàng đi qua hệ thống lọc của các nhà máy xử lý nước thải, rồi thải trực tiếp ra sông và chảy về đại dương. Chỉ tính riêng đối với hoạt động giặt giũ thường ngày, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Northumbria ở Newcastle (Vương quốc Anh) cùng Tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble (P&G) đưa ra ước tính, 13.000 tấn vi sợi bị thải loại vào môi trường biển châu Âu mỗi năm.

Trong một bài báo trên FranceInfo, số ra ngày 14/12/2024, bà Olivia Gérigny, chuyên gia nghiên cứu tại Ifremer nhận định rằng Địa Trung Hải là vùng biển ô nhiễm nhất thế giới với khoảng 200 chất thải được tìm thấy trên mỗi km2, và khoảng 100 chất thải trên mỗi km2 tại Đại Tây Dương.

Đối diện với thực trạng ô nhiễm biển và nhận thức được nguyên nhân, Pháp đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động của các hoạt động giặt giũ thường ngày tới môi trường.

Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo ảnh 3
Bộ lọc sẽ được lắp đặt trong kết cấu của máy giặt thế hệ mới nhằm giảm thiểu sự thải loại vi sợi ra môi trường. (Ảnh: FranceInfo)

Và một trong những giải pháp đó được quy định rõ trong “Luật chống lãng phí vì một nền kinh tế tuần hoàn” và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Các nhà sản xuất máy giặt phải lắp đặt bộ lọc nước thải, giúp giảm thiểu tới 80% lượng vi sợi thải ra trong quá trình giặt giũ.

Một số nhà sản xuất cho ra đời những dòng sản phẩm máy giặt đã được trang bị sẵn bộ lọc hoặc bán kèm để tự tháo lắp tại gia đình. Theo ông Paolo Falcioni, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị gia dụng châu Âu (APPLiA Europe), sau mỗi lần giặt, người tiêu dùng sẽ phải loại bỏ tất cả các hạt còn sót lại trong túi lọc và thay bộ mới cứ mỗi sáu tháng một lần.

Một số giải pháp khác cũng được nhiều quốc gia châu Âu tuyên truyền mạnh mẽ, nhưng tính hiệu quả sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân: chế độ giặt nhanh hơn, giặt với nước lạnh hơn và giảm tần suất giặt với những món đồ có thể mặc lại.

Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo ảnh 4
Chế độ giặt với nước mát cũng được khuyến khích nhằm giảm bớt tình trạng vi sợi bị bào mòn khỏi quần áo. (Ảnh: Le Parisien)

Bên cạnh đó, theo Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), chỉ riêng ngành công nghiệp quần áo đã tạo ra gần 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Và mỗi năm, 240.000 tấn vi sợi nhựa từ quần áo tổng hợp bị thải ra đại dương, tương đương với 24 tỷ chai nhựa.

Do đó, Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp đề xuất áp dụng bảng điểm thân thiện với môi trường cho các sản phẩm dệt may, may mặc với tên gọi “Ecobalyse”. Giải pháp này cũng giống như cách mà Chính phủ Pháp muốn bảo vệ người dân trước những rủi ro sức khỏe tới từ thực phẩm chứa đường, muối và dầu mỡ thông qua bảng điểm “NutriScore” được in ấn rõ ràng trên bao bì.

Hệ thống bảng điểm thân thiện với môi trường đánh giá từng mặt hàng quần áo, với quy định từ 0 đến vô cùng, phản ánh tác động tới môi trường của từng sản phẩm. Các yếu tố như lượng phát thải khí nhà kính, mức độ ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, lượng tiêu thụ nước và các tài nguyên thiên nhiên khác, tính bền vững và mức ô nhiễm môi trường đều được tính toán tới. Và đương nhiên, điểm càng lớn thì giá thành của sản phẩm khi ra thị trường sẽ càng cao.

Cũng bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sẽ phải tiến hành thu gom rác thải dệt may một cách có hệ thống. Mục đích nhằm chấm dứt tình trạng quần áo “dùng một lần”, tận dụng tối đa trang phục đã qua sử dụng và phát triển một ngành công nghiệp dệt may bền vững ở quy mô châu Âu.

Trong những năm gần đây, mức chi tiêu mua sắm quần áo bình quân đầu người đã tăng lên đáng kể, cùng sự xuất hiện của các thương hiệu “thời trang nhanh”. Sản phẩm của “thời trang nhanh” đã qua sử dụng với chất lượng vốn đã không đảm bảo tiêu chuẩn, cũng ngày càng ít được tái sử dụng hơn.

Châu Âu nỗ lực bảo vệ môi trường biển trước vi sợi nhựa từ quần áo ảnh 5
Nhiều hệ thống siêu thị tại Pháp đã triển khai chiến dịch thu gom và bắt đầu "hành trình mới" cho trang phục đã qua sử dụng. (Ảnh: Le Parisien)

Trước đó, Quy định về Thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (ESPR) của Ủy ban châu Âu chính thức có hiệu lực từ ngày 18/7/2024, trở thành nền tảng cho cách tiếp cận của các quốc gia thành viên đối với những sản phẩm bền vững hơn thân thiện với môi trường và phục vụ kinh tế tuần hoàn.

Do đó, quần áo mới phải được thiết kế một cách sinh thái và có hệ thống, bằng việc hạn chế sử dụng sợi tổng hợp, áp dụng một tỷ lệ sợi tái chế nhất định và tăng độ bền của quần áo.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chau-au-no-luc-bao-ve-moi-truong-bien-truoc-vi-soi-nhua-tu-quan-ao-post852015.html

  • Từ khóa