Du lịch Việt Nam tạo đà bứt phá

Thứ 2, 16.12.2024 | 08:55:01
467 lượt xem

Năm 2024, du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra là đón 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam và hoạt động du lịch trở lại quỹ đạo thực chất, cùng với nỗ lực chủ động nắm bắt xu thế du lịch xanh, du lịch Net Zero, xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp... trong năm qua là bước tạo đà cho sự bứt phá của ngành trong thời gian tới.

Siêu tàu biển Costa Serena (quốc tịch Italia) tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cuối tháng 10/2024. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Phục hồi mạnh mẽ

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 hồi phục trở lại sau đại dịch nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; việc cải thiện hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng, cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng.

Hết tháng 11/2024, Việt Nam đã đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Riêng trong tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm, và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tốc độ này được duy trì trong tháng 12 sẽ giúp du lịch Việt Nam đạt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách quốc tế đã đề ra. Du lịch nội địa sau 11 tháng cũng phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách. Nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch đã tổ chức nhiều chương trình du lịch hiệu quả, đón khách quốc tế cao hơn thời điểm trước đại dịch Covid-19. Và không ít địa phương đã hoàn thành sớm chỉ tiêu đón khách du lịch từ 2-3 tháng, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Bình, Ninh Thuận, Thanh Hóa...

Du lịch Việt đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia đồng hành của các bộ, ngành liên quan, nhờ đó toàn ngành đã dần khởi sắc trở lại. Những điểm nghẽn, vướng mắc đang dần được tháo gỡ nhằm giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch đã có các giải pháp đồng bộ để khắc phục các điểm yếu cố hữu của du lịch Việt, giúp ngành du lịch phục hồi và cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh, cả về chất và lượng.

Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế, cùng với các thị trường ở châu Âu tăng trưởng sôi động, nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày. Hợp tác du lịch-hàng không được coi là chiến lược then chốt trong thu hút khách quốc tế, và năm 2024 Việt Nam đã có bước cải thiện sự hợp tác này với việc mở rộng mạng lưới bay, kết nối trực tiếp các chuyến bay thẳng từ thị trường trọng điểm, nâng cấp các sân bay đầu mối trung chuyển Nội Bài, Tân Sơn Nhất để tăng khả năng đón khách quốc tế.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Trong năm 2024, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế cũng được đổi mới nội dung, phương thức và khá sôi động. Du lịch Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch quốc gia tại Lào, Australia, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Đức, Italia... Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc (tháng 7/2024). Cuối tháng 9/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch-điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, với nhiều thỏa thuận được ký kết.

Hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ sáu Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khiến vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới ngày càng được khẳng định. Du lịch Việt Nam đã hướng vào thực chất khi khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm qua đã xếp hạng cao nhiều chỉ số của du lịch Việt Nam.

Tạo sản phẩm cao cấp, nắm bắt xu thế để bứt phá

Quy hoạch hệ thống du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2024), nêu mục tiêu: Năm 2025 Việt Nam phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới, đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trực tiếp 8-9% vào GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể đạt được, với điều kiện phải nỗ lực gấp đôi và đòi hỏi ngành du lịch phải tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường khách mới; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số; tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch cao cấp, dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống...

Phân khúc khách quốc tế cao cấp có vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch. Ngành du lịch Việt Nam xác định ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, du khách chi tiêu cao. Vì vậy, thời gian tới ngành du lịch cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt, cá nhân hóa, tinh tế gắn với văn hóa, hài hòa với thiên nhiên, môi trường, mang lại trải nghiệm trọn vẹn cho khách du lịch cao cấp...

Nửa cuối năm 2024, ngành du lịch và các địa phương đã có nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề nhằm tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm cách gia tăng giá trị thặng dư cho các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; hướng tới du lịch cao cấp với phân khúc khách hàng chi tiêu cao, phát triển du lịch Việt Nam bền vững. Trong đó, xu thế chuyển đổi xanh, du lịch không phát thải các-bon được đặt ra mang tính chiến lược. Doanh nghiệp du lịch tiếp cận và triển khai du lịch xanh, thực hiện đúng cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc đạt phát thải các-bon ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Và chính các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực, sáng tạo xây dựng tour, sản phẩm phù hợp, xác lập tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, nhân lực và công nghệ để sớm có du lịch xanh, du lịch Net Zero đích thực.

Định vị thương hiệu du lịch Việt gần đây cũng dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Các tín hiệu tích cực là một số tỷ phú và nhiều du khách quốc tế có mức chi tiêu cao đã lựa chọn Việt Nam để tổ chức các sự kiện quan trọng. Năm qua, đã có hơn 10 đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ tổ chức ở hệ thống Vinpearl cùng sự kiện một tỷ phú ngành dược của Ấn Độ lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi tổ chức kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên của mình hồi cuối tháng 8... Tín hiệu cho thấy thị trường du lịch MICE (du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) quốc tế đã có những khởi sắc trở lại, khi đoàn 1.000 khách của Công ty dược phẩm JB Pharma (Ấn Độ) đã đến du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 12.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã xác định các giải pháp đồng bộ, các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp; cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm du lịch cao cấp; có các chiến dịch quảng bá tập trung vào phân khúc thị trường, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến và thương hiệu du lịch cao cấp của Việt Nam. Cơ quan này cũng đã đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, như: du lịch tàu biển; du lịch golf; du lịch MICE; du lịch mua sắm, giải trí... mang tầm quốc tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp du lịch phải chủ động liên kết chặt chẽ với nhau và với địa phương để hình thành hệ sinh thái cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp - một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch bứt tốc.

Dù còn nhiều thách thức đang đặt ra cho du lịch Việt Nam, nhưng kết quả đạt được năm 2024 chính là bước tạo đà để ngành du lịch bứt tốc trong năm tới. Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đã được xác định rõ là: “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch du lịch các vùng miền, địa phương trên cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện” chính là chìa khóa để du lịch Việt Nam bứt phá.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/du-lich-viet-nam-tao-da-but-pha-post850688.html

  • Từ khóa