Trong hành trình kéo dài 30 ngày, tổng quãng đường anh Trung chinh phục khắp Trung Quốc dài 12.000km. Trung bình mỗi ngày anh lái xe 500km, nhưng có ngày dài nhất lên tới 1.200km.
Chi 35 triệu đồng mang mô tô sang Trung Quốc
Anh Nguyễn Ngọc Trung (hiện sống và làm việc ở Hà Nội) có niềm đam mê mô tô và chinh phục các cung đường suốt hơn 10 năm qua.
Từng rong ruổi các nẻo đường trong Nam ngoài Bắc, càng đi nhiều, anh Trung càng khát khao muốn bước ra thế giới. Trung Quốc là một trong những nơi anh muốn chinh phục nhất bởi có bề dày văn hóa lịch sử lại sở hữu cảnh sắc đa dạng và lợi thế gần sát Việt Nam.
Với niềm đam mê phượt bằng mô tô, anh Trung quyết thực hiện ước mơ chinh phục các cung đường ở Trung Quốc.
Sau chuyến đi Vân Nam năm 2023, anh Trung lên kế hoạch dài hơi để mang mô tô sang nước bạn. Cung đường phượt dự kiến kéo dài hơn 12.000km, đi qua nhiều loại địa hình trải dài khắp lãnh thổ Trung Quốc, từ Vân Nam đi xuyên qua Tây Tạng, sa mạc Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc) tới Tứ Xuyên rồi quay lại Vân Nam về Lào và Việt Nam.
Trước chuyến đi 3 tháng, anh liên hệ với một đơn vị tour làm dịch vụ để vận chuyển mô tô và xin giấy phép được chạy xe ở Trung Quốc. Khi nhập cảnh tại nước sở tại, cảnh sát địa phương sẽ cấp cho vị khách Việt một bằng lái tạm, biển số xe tạm thời với thời gian tương ứng với visa của mình.
Ngoài ra, anh còn phải chuẩn bị cả giấy phép vào Tây Tạng (được cấp khi nhập cảnh Trung Quốc). Khách nước ngoài sẽ dùng giấy phép này để đi qua các trạm kiểm soát trên hệ thống đăng ký.
Mọi thủ tục mất khoảng 2 tháng với tổng chi phí khoảng 35 triệu đồng.
Trước chuyến đi, anh chuẩn bị hành trang đầy đủ và nền tảng thể lực vững chắc.
Với chuyến đi kéo dài một tháng cần hành trang chuẩn bị kỹ lưỡng. Anh mang "chiến mã" đi bảo dưỡng tổng thể, chuẩn bị cặp lốp dự phòng. Nhưng sau đó, anh tìm được địa điểm ở Trung Quốc có thể thay lốp nên không mang theo nữa. Tuy vậy, chi phí thay phụ tùng ở nước bạn đắt hơn so với Việt Nam khoảng 30%.
Cùng với đó, vị khách Việt chuẩn bị bản thân sức khỏe và sức bền bởi hành trình sẽ đi qua nhiều khu vực có thời tiết rất khắc nghiệt. Xe chạy qua ở nơi nhiệt độ hạ xuống âm độ C tới khi vào sa mạc nóng cháy da, vượt qua những khu vực có độ cao khoảng 4.000m so với mực nước biển nên có thể bị sốc độ cao. Các thực phẩm chức năng, thuốc hoạt huyết dưỡng não là những món đồ không thể thiếu.
Thủ tục giấy phép xong xuôi, tháng 9, anh Trung lên đường mang theo sự hồi hộp và háo hức xen lẫn trong tâm trí.
Trung Quốc là thiên đường cho người mê phượt
Lái xe từ Hà Nội tới Điện Biên, anh Trung di chuyển xuyên qua biên giới tới Lào. Tại thị trấn Boten nằm ở tỉnh Luang Namtha (Lào), anh tới cửa khẩu để tiến vào Trung Quốc. Tại đây, anh được cảnh sát cấp cho những giấy phép cần thiết và phổ biến luật giao thông.
Hệ thống giao thông tại Trung Quốc khiến vị khách Việt thích mê.
"Cảm giác ngồi trên chiến mã quen thuộc, lao trên những cung đường cao tốc hay xuyên hầm vượt núi khiến tôi phấn khích. Hệ thống giao thông ở Trung Quốc rất tuyệt vời, là thiên đường cho những người mê mô tô.
Chỉ khi đi qua các trạm cố định, khách mới phải dừng lại cho kiểm tra giấy tờ. Tôi thường chạy xe với tốc độ 100km/h đến 120km/h theo đúng quy định của luật giao thông sở tại", vị khách Việt hào hứng chia sẻ.
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là vùng trồng trà đặc sản của tỉnh Vân Nam - Phổ Nhĩ. Nơi đây nổi danh với món trà cùng tên. Sau đó, anh đi tiếp 500km tới Đại Lý, vùng đất 4 mùa cây trái tốt tươi với những nét kiến trúc hoài cổ.
Di chuyển tới cao nguyên Vân Nam, anh đến phố cổ Lệ Giang nằm ở độ cao khoảng 2.400m. Với độ cao này, anh dần làm quen với không khí loãng hơn.
Các công trình tôn giáo ở Tây Tạng mang vẻ đẹp tráng lệ.
Trung bình mỗi ngày vị khách chạy xe khoảng 500km. Có ngày đạt kỷ lục lên tới 1.200km với hơn 13 tiếng lái xe liên tục. Nhưng với anh đó là đam mê nên bản thân không thấy vất vả.
Kết thúc quãng đường ở Vân Nam, anh Trung chính thức đặt chân tới vùng đất Tây Tạng. Đây là nơi khách nước ngoài phải có giấy phép mới được tiếp cận. Nhưng cũng từ đây, việc di chuyển trở nên khó khăn hơn rất nhiều do địa hình phức tạp và không khí loãng hơn.
Anh Trung nhớ mãi kỷ niệm đi qua đoạn đường dài và địa hình xấu ở cao tốc G219 chặng Thanh Hải - Tây Tạng dài 840km. Người dân địa phương nói, về đêm khu vực này sẽ có rất nhiều gấu đen xuất hiện. Chúng thường lang thang ra đường lớn để xin ăn.
Nghe vậy, vị khách Việt càng tò mò muốn được chứng kiến khoảnh khắc này. Nhưng rất tiếc anh lại không bắt gặp. Bù lại sớm hôm sau khi tiếp tục lái xe trên đường, hình ảnh như ở hành tinh khác hiện ra trước mắt khiến anh Trung vỡ òa trong kinh ngạc.
Bước chân vào sa mạc Đôn Hoàng như thế giới khác.
Hai bên đường rất nhiều thú hoang chạy rông như hươu nai, sóc đất, rái cá, bò cừu hoang. Khu vực này vốn là vùng lõi của khu bảo tồn nên sự xuất hiện của nhiều động vật hoang dã là điều quen thuộc với người bản địa. Nhưng với anh Trung, mọi thứ quá lạ lẫm.
Càng đi sâu vào đất Tây Tạng, nhiều cảnh tượng khác biệt hiện ra. Đây vốn là vùng đất có nền văn hóa Phật giáo lâu đời với nhiều công trình kiến trúc thiết kế theo quy mô rất hùng vỹ.
Cùng với đó, đường xá di chuyển mỗi ngày thêm hiểm trở còn không khí lạnh và loãng hơn. Cảnh sắc ở Tây Tạng khiến anh có cảm giác như lạc vào thế giới khác. Được chứng kiến cung điện Potala cao nhất thế giới, nơi sở hữu hàng nghìn pho tượng tuyệt đẹp, vị khách Việt càng thấy bản thân nhỏ bé. Nơi này còn có những tu viện nằm ẩn sâu trên núi, nằm tách biệt hẳn thế giới bên ngoài.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn
Rời Tây Tạng để thẳng tiến tới sa mạc Đôn Hoàng trên chặng đường dài khoảng 400km, vị khách Việt lái xe mô tô liên tục. Tuyến đường dường như không có điểm dừng còn hai bên phủ kín toàn cát.
Cảnh sắc ở Cửu Trại Câu khi chuẩn bị bước vào mùa thu.
Đi sâu vào sa mạc như bước chân vào vùng đất trên Sao Hỏa. Không gian rộng mênh mông và vắng vẻ. Ban ngày, nhiệt độ ngoài trời rất nóng, nhưng về đêm lại chênh lệch rất lớn chỉ còn 6-7 độ C.
Du khách muốn ở qua đêm trên sa mạc có thể thuê nhà dạng hostel hoặc nhà hình cầu thiết kế như trong phim viễn tưởng. Giá thuê của các cơ sở lưu trú không đắt với mức khoảng một triệu/phòng mỗi đêm dành cho 2 người.
Hành trình đi về, anh Trung có ghé thăm Trùng Khánh, Top 10 siêu đô thị lớn nhất Trung Quốc. Vị khách Việt choáng ngợp trước hệ thống giao thông và các quy hoạch của thành phố này.
Do địa hình của Trùng Khánh rất khác biệt được xây dựng trên miền núi phức tạp nên hệ thống giao thông tại đây không giống như các đô thị khác.
"Đây là nơi bạn có thể thấy cảnh mọi người đang chạy xe hoặc đi bộ bên ngoài cửa sổ nhà mình dù bạn sống ở tầng 10 một căn chung cư. Giao thông ở đây phức tạp tới mức bất cứ ai ra đường đều phải mang theo thiết bị có định vị mới tìm được lối ra hay điểm đến", anh Trung nói.
Hồng Nhai Động là một trong những điểm đến hút khách bậc nhất ở Trùng Khánh.
Ở Tứ Xuyên, anh Trung không thể bỏ lỡ Cửu Trại Câu, khu bảo tồn được bảo vệ nghiêm ngặt. Dù đây là điểm đến hút khách bậc nhất nhưng địa phương làm du lịch rất tốt và xung quanh gần như không thấy rác.
"Mỗi chặng đường là một kiến thức vô tận để bản thân được trải nghiệm và học hỏi. Tôi khâm phục cách Trung Quốc làm du lịch chuyên nghiệp đồng thời bảo tồn thiên nhiên rất tốt.
Đây cũng là dịp để tôi được thưởng thức ẩm thực đa dạng ở nhiều vùng miền. Với tôi, chỉ duy nhất đồ ăn ở Tây Tạng hơi khó thích nghi, còn những nơi khác đều khá ngon miệng", anh nhận xét.
Và chuyến đi này cũng là dịp để vị khách Việt thêm mở mang kiến thức, học hỏi nhiều thứ ở thế giới xung quanh bởi những gì nắm bắt được trước kia đều nhỏ bé.
Chuyến đi kéo dài 30 ngày, vị khách ước chừng con số chi tiêu khoảng 220 triệu đồng chưa bao gồm chi phí tiền xăng xe. Riêng tiền xăng mỗi ngày tiêu tốn khoảng 550.000 đồng. Anh thường đổ loại xăng 98 có mức giá cao hơn so với Việt Nam.
"Được chạm vào những nơi mà trước kia mình chỉ biết tới qua sách vở hay phim ảnh là điều rất tuyệt. Điều đáng giá nhất của mỗi chuyến đi như thế là trải nghiệm và kiến thức. Đây là những điều khó lòng đong đếm bằng giá trị tiền bạc. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê này", vị khách Việt bộc bạch.
Theo dantri.com.vn