Xuất khẩu rau quả Việt Nam đã và đang đứng trước cơ hội trở thành mặt hàng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu khi hàng loạt trái cây tiếp tục được mở cửa thị trường.
Chế biến là giải pháp giúp nâng cao giá trị xuất khẩu rau quả.
Trái cây Việt sắp đón tin vui
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến vào năm 2025, trái chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này.
Hiện các bước đàm phán kỹ thuật đã được hoàn thiện, và hiện tại hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Việc chanh dây được phép thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác.
Trước đó, vào ngày 9/9, Cục Bảo vệ thực vật cùng Đại sứ quán Australia đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chanh leo Việt Nam sang Australia và xuất khẩu mận từ Australia sang Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đánh giá, đây là dấu ấn mới trong việc hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long, thì chanh dây trở thành loại trái cây tươi thứ 5 của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Australia.
Từ đầu năm đến nay, rau quả là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng trong nhóm đứng đầu của ngành nông nghiệp cả nước. Vượt qua mục tiêu dự báo từ đầu năm (xuất khẩu rau quả đạt 6 tỷ USD), xuất khẩu rau quả năm nay đã lập thêm kỷ lục mới khi dự kiến mang về 7,2 tỷ USD.
Sang năm 2025, với nhiều yếu tố thuận lợi, trái cây Việt Nam cũng đặt mục tiêu mang về ít nhất 8 tỷ USD. Nếu chinh phục thành công cột mốc này, nước ta sẽ vào nhóm 5 nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng trái cây.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: “Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Năm ngoái, chúng ta đã có kỷ lục 5,6 tỷ USD, dự kiến năm nay sẽ thu về từ 7,1 - 7,2 tỷ USD”.
Trong 11 tháng đầu năm, 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Thái Lan tăng gần 80%, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ hay thị trường Trung Đông cũng tăng từ 36-40%.
Mở rộng thị trường nhờ các hiệp định tự do thương mại và đàm phán mở cửa cho thêm nhiều loại trái cây mới, rau quả Việt Nam đang rất tự tin với mục tiêu của năm sau.
Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD. Đứng thứ 2 là thanh long khoảng 435 triệu USD, dù vậy so với năm ngoái, mặt hàng lại ghi nhận đà giảm sút bởi Trung Quốc giảm nhập 40% trong năm 2024. Đứng thứ 3 là chuối và xoài và một số mặt hàng khác như mít, dừa, dưa hấu…
Kỳ vọng kỷ lục mới cho năm 2025
Ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay đạt 7,2 tỷ thì năm sau có thể đạt 8 tỷ USD. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ để xuất, có mặt hàng mới tham gia.
Sầu riêng là điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu rau quả. |
Bên cạnh đó, với những mặt hàng như chanh leo, bưởi, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, đây là những mặt hàng mới mở cửa thị trường, các doanh nghiệp còn đang loay hoay trong vấn đề xin mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Hay nói cách khác, hiện các doanh nghiệp đang trong quá trình chuẩn bị. Một số mặt hàng như trái bưởi, trái dừa đã xuất khẩu những chuyến hàng đầu tiên nhưng chưa nhiều. Sang năm, những mặt hàng này mới có thể phát huy được lợi thế.
Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường. Với việc chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, cánh cửa thị trường lớn đã mở ra cho hai loại mặt hàng chủ lực của ngành rau quả. Mặt khác, chất lượng hàng trái cây của Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của từng quốc gia nhập khẩu nên đã tăng khả năng cạnh tranh khi thâm nhập vào nhiều thị trường chất lượng cao.
Cuối tháng 11 vừa qua, tại Cụm Công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), Công ty cổ phần Hạnh Nguyên Logistics tổ chức khai trương Nhà máy chiếu xạ nông sản công suất 1.000 tấn sản phẩm/ngày đêm.
Cùng với việc triển khai máy chiếu xạ, Hạnh Nguyên Logistics cũng nâng cấp hệ thống kho bảo quản lên 23.000 pallets, cung cấp các dịch vụ sơ chế, chế biến, cấp đông, đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP và FSSC 22000 giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó có rau quả xuất khẩu.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, xuất khẩu khẩu nông, lâm, thủy sản nông sản năm 2024 và dự tính sẽ đạt 62 tỷ USD. Điều này có sự đóng góp của Hạnh Nguyên logistics đã tiên phong trong công nghệ chiếu xạ, bảo quản lạnh, cũng như hoạt động phương châm một điểm đến đa dịch vụ đã góp phần làm cầu nối đưa nông sản ra toàn thế giới.
Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi các quốc gia tăng cường kiểm tra hàng hoá nhập khẩu. Đơn cử mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về tạm thời tăng cường kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định từ một số nước thứ ba vào EU. Theo đó, với sầu riêng của Việt Nam, EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.
Nguyên nhân do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, cơ quan chức năng của EU đã phát hiện nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid. Các hoạt chất này được EU quy định mức giới hạn tối đa dư lượng được phép (MRL) từ 0,005-0,1 mg/kg tùy loại.
Với quả thanh long, ớt và đậu bắp, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới. Trong đó, tần suất kiểm tra thanh long là 30%, ớt và đậu bắp cùng tần suất 50%. Ba sản phẩm này khi nhập khẩu vào thị trường EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi. Hiện nay, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hằng năm rất lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/rau-qua-viet-nam-khang-dinh-vi-the-tren-thi-truong-the-gioi-post852636.html