Hữu Lũng: Giữ gìn vốn quý dân ca truyền thống

Thứ 3, 05.04.2022 | 14:35:33
883 lượt xem

Huyện Hữu Lũng là địa bàn còn lưu truyền nhiều loại hình hát dân ca dân tộc như: hát sình ca (người Cao Lan); chèo cổ, chầu văn (người Kinh); hát then, sli (người Tày, Nùng); Páo Dung (người Dao)… Sự hội tụ và lan tỏa của các loại hình dân ca này đã tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, trở thành vốn di sản quý đang được cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện chú trọng gìn giữ và phát huy.

Nhiều năm gắn bó với các làn điệu dân ca, Nghệ sĩ Ưu tú Ninh Xuân Nhật, người truyền dạy kiêm phụ trách CLB sình ca Cao Lan, xã Thiện Tân chia sẻ: CLB thành lập tháng 8/2021 với 16 thành viên. Để CLB hoạt động hiệu quả, chúng tôi thường xuyên liên hệ với các nghệ nhân ở trong và ngoài tỉnh sưu tầm tư liệu, phục dựng các điệu dân ca truyền thống. Hằng tháng, CLB cũng thường xuyên tập luyện, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn.

Các thành viên Đội hát then, xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng biểu diễn múa chầu truyền thống

Không riêng CLB sình ca Cao Lan, hiện nay, một số CLB hoạt động mạnh và tiêu biểu ở Hữu Lũng như: CLB hát dân ca dân tộc Nùng (xã Tân Thành); CLB hát then (xã Thanh Sơn)… Ngoài ra, huyện còn có 3 nghệ nhân ưu tú và hơn 90 nghệ nhân dân gian nắm giữ và truyền dạy các loại hình dân ca truyền thống.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện cho biết: Những năm qua, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn các làn điệu dân ca; khuyến khích, thành lập các nhóm, CLB dân ca; đa dạng các hình thức đưa hát dân ca vào cộng đồng…

Theo đó, hằng năm, các cơ quan chức năng ở Hữu Lũng đã xây dựng 10 tin, bài, phóng sự, thông tin, hình ảnh quảng bá về các làn điệu dân ca. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức 6 lớp dạy kỹ năng hát dân ca, kỹ năng tổ chức hoạt động cho thành viên các CLB và đội, nhóm văn nghệ tại một số xã và các trường học. Đồng thời, phòng phối hợp tổ chức từ 5 đến 10 chương trình giao lưu dân ca mỗi năm như: hội hát sli (xã Tân Thành) chương trình biểu diễn nghệ thuật đồng bào các dân tộc xã Hữu Liên; chương trình “Em yêu làn điệu dân ca” trong các trường học…

Ngoài ra, Phòng VHTT huyện cũng tích cực phối hợp các xã, trị trấn thành lập các đội, CLB dân ca. Nếu như năm 2014, trên địa bàn huyện chỉ có 1 CLB dân ca thì đến nay, huyện đã có 6 CLB dân ca, 2 đội hát then và 1 đội hát chèo cổ tại làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên và Yên Thịnh; 24/24 xã, thị trấn đều có CLB văn nghệ quần chúng với trên 1.000 thành viên. Bà Hoàng Thị Sắt, Chủ nhiệm Đội hát then làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên cho biết: Đội được thành lập từ năm 2017. Từ khi thành lập, đội thường xuyên biểu diễn các làn điệu then, đàn tính, chèo cổ phục vụ khách du lịch từ 30 đến 50 buổi/năm. Nguồn kinh phí từ phục vụ du khách đã giúp chúng tôi duy trì hoạt động và thu hút thêm thành viên. Từ 7 thành viên chính, hiện nay, chúng tôi đã thu hút được thêm 8 thành viên tích cực tham gia biểu diễn phục vụ du khách.

Ngoài ra, các CLB, đội văn nghệ dân ca ở huyện còn tham gia giao lưu tại các huyện trong tỉnh và tham gia biểu diễn tại các chương trình liên hoan hát dân ca trong tỉnh. Được biết, từ năm 2016 đến nay, các CLB, đội, nhóm dân ca trong huyện đã tham gia biểu diễn, giao lưu được trên 300 cuộc tại các sự kiện ở trong và ngoài tỉnh.

Để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu dân ca các dân tộc trên địa bàn, ngày 2/3/2022, UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn huyện Hữu Lũng giai đoạn 2022 – 2030. Hiện tại, cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan ở huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án với lộ trình cụ thể theo 2 giai đoạn (2022 – 2025 và 2026 – 2030). Trước mắt, trong năm 2022, các đơn vị liên quan sẽ tập trung nhân rộng các CLB hát dân ca, đồng thời mở lớp truyền dạy dân ca tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh.

“So với các huyện, thành phố, Hữu Lũng là huyện sở hữu kho tàng các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đa dạng và phong phú hơn cả. Huyện cũng là một trong những địa bàn thực hiện tốt việc phát huy giá trị các làn điệu dân ca gắn với phát triển du lịch. Qua đó, góp phần phát triển và lan toả giá trị các làn điệu dân ca trong đời sống cộng đồng”.

Ông Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh


TUYẾT MAI/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/491206-huu-lung-giu-gin-von-quy-dan-ca-truyen-thong.html

  • Từ khóa