Khởi sắc từ những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm

Thứ 7, 10.02.2024 | 14:44:19
814 lượt xem

Thời gian qua, một số hợp tác xã (HTX), hộ dân đã bắt đầu triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản xuất mà còn thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ.

Du khách tham quan trải nghiệm hái hồng tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Mặc dù mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, nhưng những mô hình này đã và đang mang đến những trải nghiệm đầy thú vị, là hướng phát triển nhiều tiềm năng.

Thay đổi tư duy

Thời gian qua, bên cạnh phát triển nông nghiệp thuần túy, người dân đã kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở khu vực nông thôn. Những vườn cây ăn quả, vườn rau hữu cơ, sông suối, hồ thủy điện… đều được kết nối thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Để hình thành các khu vườn thu hút khách du lịch, người dân tự thiết kế, quy hoạch lối đi, hàng rào, đảm bảo môi trường sinh thái để tạo sức hút. Điển hình như mô hình du lịch nông nghiệp của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Xứ Lạng, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng. Theo anh Nguyễn Minh Anh, Giám đốc HTX, Hữu Lũng là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, có đất đai, khí hậu phù hợp để trồng các loại cây nông nghiệp. Hơn nữa, vài năm gần đây, xu hướng du lịch nông nghiệp rất hút khách, do vậy, tháng 5/2022, HTX thành lập và xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm ở địa phương. HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm hồ câu cá dịch vụ, hệ thống nhà màng trồng nho hạ đen, dâu tây và các loại dưa… để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân và vừa phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh HTX, các hộ dân cũng chủ động thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng hình thức vừa phát triển nông nghiệp vừa mở dịch vụ đón khách đến tham quan trải nghiệm. Bà Hoàng Thị Kiểm, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi trồng dẻ khoảng 8 năm trước với diện tích 1 ha, tuy nhiên, gia đình chỉ nghĩ phát triển nông nghiệp thuần túy đó là sản xuất, thu hoạch và bán ra thị trường để có thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Nhận thấy nhu cầu về du lịch trải nghiệm, du lịch xanh tăng cao, tận dụng lợi thế vườn rộng, vụ dẻ năm 2023, tôi đã mở dịch vụ nhận khách đến tham quan, trải nghiệm chụp ảnh, nhặt hạt dẻ ngay tại vườn. Theo đó, tôi vệ sinh, dọn, phát quang vườn sạch sẽ. Nhờ đó, trung bình một tháng, vườn của gia đình đón khoảng 20 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, phần lớn, khách sẽ mua sản phẩm trực tiếp tại vườn. Như vậy, mình vừa quảng bá được sản phẩm, vừa có thêm thu nhập từ việc mở dịch vụ tham quan này. Hiện nay, gia đình đang lên kế hoạch để mở rộng diện tích trồng dẻ nhằm vừa phát triển sản xuất vừa tạo không gian cho khách du lịch trải nghiệm.

Bà Nông Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Từ năm 2019, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm bắt đầu được manh nha do hộ gia đình thực hiện. Từ đó đến nay, trên địa bàn thành phố phát triển 5 mô hình sản xuất nông nghiệp và mở cửa đón khách du lịch vào trải nghiệm như: mô hình vườn dâu tây, đào, nho… Điều này cho thấy, người dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy, nắm bắt các lợi thế tại địa phương để gắn kết phát triển nông nghiệp với du lịch. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần quảng bá sản phẩm của địa phương đến với du khách gần xa.

Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu từ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm bắt đầu được triển khai từ năm 2019, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm. Tại các mô hình này, người đến tham quan không chỉ được chụp hình, ngắm cảnh mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất thực tế đầy thú vị.

Hướng phát triển nhiều tiềm năng

Theo các hộ, HTX thực hiện mô hình, trung bình mỗi tháng đón từ 20 đến 200 lượt khách đến tham quan trải nghiệm, sản lượng sản phẩm nông sản tiêu thụ trực tiếp tại vườn cho du khách mua để sử dụng, làm quà ước tính đạt từ 1 tạ đến 2 tấn/vụ chủ yếu là các sản phẩm rau an toàn, các loại quả. Từ các mô hình sản xuất  nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, người dân có thêm thu nhập từ chi phí tham quan, dịch vụ ăn uống, bán và quảng bá được sản phẩm nông nghiệp ngay tại chỗ.

Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Việt, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng cho biết: HTX thành lập năm 2019, chủ yếu là trồng hồng Vành khuyên. Thời gian qua, nhận thấy vườn hồng vào mùa thu rụng lá chỉ còn quả vàng, đỏ rất đẹp, chúng tôi đã nhận khách vào vườn tham quan trải nghiệm. Riêng từ tháng 8 âm lịch năm 2023 đến nay, chúng tôi đã đón gần 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động chủ yếu là chụp ảnh, ngắm cảnh, hái hồng ngay tại vườn. Thông qua đó, chúng tôi không chỉ quảng bá được sản phẩm đặc sản của địa phương mà còn tiêu thụ được sản phẩm ngay tại vườn mà không cần vận chuyển đi các nơi khác với số lượng khoảng 2 tấn quả. Thời gian tới, chúng tôi có dự định xây dựng thêm các chòi làm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống nhằm tạo không gian đa dạng cho du khách trải nghiệm.

Du khách tham quan chụp ảnh tại vườn nho xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn

Hơn nữa, những mô hình này đã tạo không gian du lịch xanh, giúp du khách hòa mình với môi trường nông thôn thanh bình, khơi dậy tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Là một du khách được tham quan trải nghiệm tại vườn hồng tại huyện Văn Lãng, chị Vũ Khánh Huyền (thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng) thích thú: Thấy mọi người chia sẻ trên facebook nên cuối tuần tôi đưa cả gia đình đến đây chơi. Mọi người đều rất thích vì vừa được hòa mình cùng thiên nhiên thoáng đãng, vừa lưu lại được những tấm hình đẹp của cả gia đình. Đặc biệt, cháu nhỏ nhà tôi rất hào hứng vì được trải nghiệm làm “người nông dân” hái quả ngay tại vườn.

Từ những thành công bước đầu của các mô hình trên và nhận thấy đây là hướng phát triển tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ sản xuất cũng học tập và mong muốn xây dựng mô hình. Ông Linh Văn Thắm, Giám đốc HTX Xuân Mai, huyện Văn Quan cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số mô hình sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm rất thiết thực. Do vậy, thời gian tới, tôi cũng dự định tận dụng mặt nước sông rộng để đầu tư thuyền bè cho du khách tham quan trải nghiệm, xây dựng chòi để câu cá nhằm tăng thêm thu nhập.

Như vậy có thể thấy, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch được xem như “một mũi tên” trúng nhiều đích, bởi thông qua hoạt động này vừa nâng giá trị sản xuất nông nghiệp cho người dân, giúp tiêu thụ, hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản vừa phát triển, quảng bá du lịch nông nghiệp ở địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Thực tế cho thấy, các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/du-lich/642888-khoi-sac-tu-nhung-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-gan-voi-du-lich-trai-nghiem.html

  • Từ khóa