Trả lời bạn xem truyền hình ngày 27/06/2023

Thứ 3, 27.06.2023 | 08:58:55
1,585 lượt xem

Câu 1. Ông Sầm Đình Chung, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: sau khi ly hôn người cha không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, thì người mẹ có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật không?

Trả lời:

Theo điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm: Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

Người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 điều này yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, nếu có căn cứ xác định con là con chung của vợ chồng mà người cha chối bỏ, phủ nhận trách nhiệm, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì người mẹ có quyền yêu cầu người cha phải cấp dưỡng.

Tuy nhiên, cần xem xét các trường hợp cụ thể: Nếu khi ly hôn tại tòa án, cha, mẹ đã có thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng và được tòa án ghi nhận trong quyết định, bản án thì người mẹ có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự để người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu tại phiên tòa, cha mẹ chỉ thỏa thuận việc ly hôn và chưa thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng thì người mẹ có quyền khởi kiện về việc cấp dưỡng bằng một vụ kiện khác.

Câu 2. Ông Lê Văn Sơn, trú tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng hỏi: việc cung cấp thông tin, tố giác khi phát hiện hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em được quy định như thế nào? 

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

- Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 thì: Trẻ em là người dưới 16.

- Điều 43 Luật Trẻ em 2016 thì việc chăm sóc sức khỏe trẻ em được quy định như sau:

“1. Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên tư vấn, bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con dưới 36 tháng tuổi và trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em bị xâm hại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

4. Nhà nước có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

5. Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

6. Nhà nước có chính sách, biện pháp để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

7. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

- Điều 51 Luật trẻ em 2016 quy định:

“1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em”.

Pháp luật quy định trẻ em là người dưới 16, được chăm sóc và bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em và các văn bản có liên quan. Việc chăm sóc sức khỏe trẻ em được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Trẻ em 2016. Khi phát hiện hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em thì bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đều phải gọi ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất như: công an, UBND xã, phường, thi trấn. Các cơ quan nhà nước đều có trách nhiêm tiếp nhận thông tin và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Câu 3. Ông Hứa Đức Vinh, trú tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan hỏi: công dân được miễn gọi nhập ngũ trong những trường hợp nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

- Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ:“Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

- Khoản 2 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

3. Công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 Điều này, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

Công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc được miễn gọi nhập ngũ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.

4. Danh sách công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày./.

  • Từ khóa