Trả lời bạn xem truyền hình ngày 18/07/2023

Thứ 3, 18.07.2023 | 00:00:00
790 lượt xem

LSTV - Tuần 2 Thứ ba, ngày 11 tháng 7 năm 2023

Câu 1. Bà Phan Thị Thúy, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc hỏi: Vi bằng có giá trị dùng để thay thế văn bản công chứng, chứng thực được không?

Trả lời: 

          Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, trong đó có quy định: 

- Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

- Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

          Theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của vi bằng như sau:

- Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định 08/2020/NĐ-CP.

 - Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Như vậy, Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác theo quy định của pháp luật.


Câu 2: Ông Hoàng Văn Thiết, trú tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia hỏi: Những thông tin nào được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử? việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được pháp luật quy định như thế nào?

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến được quy định tại Nghị định 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ, theo đó Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện từ dùng chung. 

Các thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm: Thông tin hộ tịch của cá nhân và thông tin hộ tịch của cha, mẹ, vợ hoặc chồng của cá nhân khi có sự biến động do kết hôn, thay đổi, cải chính hộ tịch, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; nuôi con nuôi; khai tử; ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện từ để đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền; cấp bản sao trích lục hộ tịch; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thống kê số liệu đăng ký hộ tịch và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.

(2) Bộ Tư pháp khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch đối với tất cả các trường hợp có thông tin hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.

(3) Bộ Ngoại giao khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch đối với các trường hợp đã đăng ký hộ tịch tại Cơ quan đại diện; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.

(4) Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch đối với các trường hợp đã đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn hoặc người có yêu cầu đang cư trú trên địa bàn; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn theo quy định pháp luật.

(5) Cơ quan, tổ chức có yêu cầu cung cấp thông tin hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để phục vụ quản lý nhà nước thì gửi yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại (2), (3), (4).

(6) Cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền./.


  • Từ khóa