Trả lời bạn xem truyền hình ngày 24/07/2023

Thứ 3, 25.07.2023 | 10:36:34
521 lượt xem

LSTV - Tuần 4 Thứ ba, ngày 25 tháng 7 năm 2023

Câu 1. Bà Đặng Thị Huyền, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố có nhiệm vụ, quyền hạn gì? Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố có bắt buộc phải là Đảng viên không?

Trả lời: 

          Tại Điều 10 Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (sửa đổi tại Thông tư 14/2018/TT-BNV) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố như sau:

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố; tổ chức thực hiện những công việc thuộc phạm vi thôn, tổ dân phố đã được nhân dân bàn và quyết định; bảo đảm các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BNV;

- Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Tập hợp, phản ánh, đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, tổ dân phố. Báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn, tổ dân phố;

- Thực hiện việc lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và quyết định trực tiếp những công việc của thôn, tổ dân phố; lập biên bản về kết quả đã được nhân dân thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết những công việc thuộc phạm vi cấp xã; báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở thôn, tổ dân phố để vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào và cuộc vận động do các tổ chức này phát động;

- Sáu tháng đầu năm và cuối năm phải báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn, tổ dân phố.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có các quyền hạn sau đây:

- Được ký hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong thôn, tổ dân phố đóng góp kinh phí đầu tư đã được hội nghị thôn, tổ dân phố thông qua và bảo đảm các quy định liên quan của chính quyền các cấp;

- Được phân công nhiệm vụ giải quyết công việc cho Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố; được chính quyền cấp xã mời họp và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quản lý, hoạt động của thôn, tổ dân phố; được bồi dưỡng, tập huấn về công tác tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, tại Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV có quy định về tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố như sau:

- Phải là người thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố;

- Đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm;

- Bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

- Có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.

Như vậy, theo quy định trên thì Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố không bắt buộc phải là Đảng viên.


Câu 2: Ông Đỗ Văn Quyền, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: pháp luật quy định trường hợp nào nhập khẩu hàng hóa phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa?

Ngày 31/5/2023 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể tại Điều 10 Thông tư quy định người khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

(1) Người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

(2) Hàng hóa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

(3) Hàng hóa quy định theo Danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 33/2023/TT-BTC hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

(4) Hàng hóa thuộc Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.

Trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì thực hiện khai theo quy định tại Điều 11 Thông tư 33/2023/TT-BTC./.

  • Từ khóa