Trả lời bạn xem truyền hình ngày 01/08/2023

Thứ 3, 01.08.2023 | 00:00:00
438 lượt xem

LSTV - Tuần 1 Thứ ba, ngày 01 tháng 8 năm 2023

Câu 1. Ông Nguyễn Đức Tuấn, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trường hợp nào thì công an được khám xét nhà ở của công dân theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

"Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân"

Theo căn cứ trên thì các trường hợp được khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện là:

  • Khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
  • Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 113 và Khoản 1, Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những người sau có quyền ra lệnh khám xét chỗ ở:

  • Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
  • Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
  • Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

Như vậy, nếu có căn cứ cho rằng chỗ ở của công dân có công cụ phương tiện liên quan đến vụ án hoặc phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Thì công an có quyền khám xét nhà ở của công dân với điều kiện là có lệnh khám xét của người có thẩm quyền ra lệnh khám xét.

Câu 2. Ông Nông Ngọc Nhân, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: Trong quá trình hòa giải tại nơi cư trú, hòa giải viên có được mời người khác cùng tham gia hòa giải không? Những người nào có thể được mời tham gia hòa giải? Việc hòa giải có được ghi lại vào sổ để theo dõi không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 19 Luật hòa giải ở cơ sở, trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

Người được mời tham gia hòa giải phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Cơ quan, tổ chức có người được mời tham gia hòa giải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia hòa giải.

Theo quy định tại Điều 21 Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành.

Câu 3. Bà Lý Thị Minh, trú tại xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định hỏi: đối với người có công với cách mạng thì giấy tờ chứng minh thuộc diện được trợ giúp pháp lý bao gồm những loại giấy tờ gì?

Trả lời:

Theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý thì người có công với cách mạng khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý cần xuất trình một trong các giấy tờ sau đây:

  • Quyết định công nhận thuộc một trong các đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
  • Giấy xác nhận thuộc diện người có công với cách mạng của cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có yêu cầu cư trú cấp;
  • Giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
  • Giấy chứng nhận bệnh binh;
  • Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, Bằng Tổ quốc ghi công kèm theo giấy tờ xác nhận về mối quan hệ thân nhân (cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi hoặc không có năng lực hành vi dân sự…) với liệt sĩ (như Sổ hộ khẩu gia đình, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh...) hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
  • Huân chương, Huy chương hoặc giấy tờ xác nhận khác có ghi nhận họ thuộc diện người có công với cách mạng;
  • Bằng có công với nước, Kỷ niệm chương hoặc giấy chứng nhận bị địch bắt, tù đày;
  • Các loại giấy tờ hợp pháp khác mà dựa vào đó có thể biết được người có tên trong giấy tờ đó là người có công với cách mạng;
  • Trong trường hợp những người thuộc diện người có công với cách mạng bị thất lạc giấy tờ thì cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

            Tin nhắn: trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của Hứa Văn Hải trú tại thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình khiếu nại về việc hàng xóm mở dịch vụ phòng trà karaoke gây tiếng ồn ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sức khỏe suy giảm của ông.

            Trong trường hợp tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, các bên không tự thỏa thuận được với nhau, để xử lý dứt điểm tình trạng này ông có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xem xét giải quyết. /.

  • Từ khóa