CM Trả lời bạn xem truyền hình ngày 10/10/2023

Thứ 4, 11.10.2023 | 16:04:53
1,179 lượt xem

Câu 1. Bà Nông Thị Kim, trú tại xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng hỏi: Người cao tuổi, không nơi nương tựa, thuộc hộ nghèo có được hưởng chính sách trợ cấp xã hội không, mức trợ cấp là bao nhiêu?

Trả lời

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 13/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng:

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

- Người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

2. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi

Căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, người cao tuôi được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định là 360.000 đồng/tháng nhân với hệ số tương ứng: 1,0; 1,5; 2,0 hoặc 3,0.

3. Thủ tục thực hiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi

Đối tượng, người giám hộ của đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan liên hệ với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã để được hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật.


Câu 2. Ông Trương Văn Nhân, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về mức phạt cho hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi?

Trả lời:

Căn cứ Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Như vậy, việc bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi là hành vi đã bị pháp luật nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này có thể bị pháp luật trừng phạt với hình phạt như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 31 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;

b) Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.

Như vậy, người bán, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Ngoài ra các hành vi khuyến mại rượu, bia cho người dưới 18 tuổi có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng, sử dụng người dưới 18 tuổi quảng cáo rượu, bia có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Câu 3. Ông Vi Xuân Hùng, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc xem xét, quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ?

Trả lời

Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24/3/2022. Theo đó, Điều 2 Pháp lệnh quy định 9 nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

1. Chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (sau đây gọi là người bị đề nghị) khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy.

2. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.

3. Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị.

4. Bảo đảm quyền của người bị đề nghị được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

5. Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Tòa án bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

6. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

7. Bảo đảm việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.

8. Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án là tiếng Việt.

Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch.

9. Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhắn tin: trong tuần qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của bà Hà Thị Hằng trú tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, trong nội dung đơn, bà không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và mong muốn được giải quyết theo thủ tục Giám đốc thẩm.

Nếu bà không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì bà có thể làm đơn đề nghị xem xét quyết định của Tòa án theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa