Trả lời bạn xem truyền hình ngày 5/5/2020

Thứ 3, 05.05.2020 | 11:11:31
910 lượt xem

Câu 1. Ông Hoàng Văn Khánh, trú tại xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình hỏi: Các điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật?

Trả lời:       

Để quản lý hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngày 03/4/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2020. Điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định cụ thể như sau:

Điều kiện nhân viên nghiệp vụ và lãnh đạo điều hành hoạt động

 Đối với nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

 - Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp dịch vụ;

 - Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;

 - Trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên; nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 1 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 Đối với người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện tại khoản 3 Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc.

 Điều kiện về tài chính

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Điều kiện về phương án kinh doanh

 Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

 Điều kiện về cơ cấu tổ chức

 Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ (bộ máy) bao gồm:

 - Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên;

 - Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính;

 - Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều kiện về cơ sở vật chất

 Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau:

 - Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;

 - Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.

 Doanh nghiệp dịch vụ lần đầu được cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép.

Câu 2: Bà Vy Thị Phương trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Các trường hợp nào bị từ chối thụ lý, không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017,Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, các trường hợp đó được quy định cụ thể như sau:

 I. Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý

 Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thụ lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 - Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý (vụ việc không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý);

 - Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

 - Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

 - Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

 Khi từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người yêu cầu.

 II. Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện

 Vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 1. Thuộc trường hợp phải từ chối theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể:

 - Yêu cầu trợ giúp pháp lý không đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý (vụ việc không liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý);

 - Yêu cầu trợ giúp pháp lý có nội dung trái pháp luật;

 - Người được trợ giúp pháp lý đã chết;

 - Vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác thụ lý, giải quyết.

 2. Người được trợ giúp pháp lý thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý, cụ thể:

 - Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;

 - Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;

 - Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

 3. Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 4. Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn quy định đối với trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý thụ lý ngay (05 ngày làm việc kể từ khi vụ việc trợ giúp pháp lý được thụ lý, 10 ngày làm việc trường hợp người được trợ giúp pháp lý cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường hợp bất khả kháng, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 12/2018/TT-BTP).

 Trường hợp không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý./.

  • Từ khóa