“Cháy” hàng, giá lợn giống đắt kỷ lục

Thứ 4, 13.05.2020 | 14:30:39
868 lượt xem

Để mua một con lợn giống tái đàn, người chăn nuôi phải bỏ ra gần 3 triệu đồng, tương đương 300.000 đồng/kg lợn giống.

Giá lợn hơi lại tăng vọt

Từ đầu tháng 4/2020 đến nay, giá lợn hơi trên toàn quốc liên tiếp tăng mạnh. Hiện tại, giá lợn hơi trung bình tại miền Bắc dao động trong khoảng 90.000 - 94.000 đồng/kg, tại miền Nam cũng lên 93.000 đồng/kg. Trong khi đó, lượng lợn đổ về chợ đầu mối gia súc gia cầm lớn nhất miền Bắc ở tỉnh Hà Nam cũng chỉ dao động từ 200 - 300 con, bằng một nửa so với bình thường vì không có lợn.

Không chỉ người tiêu dùng "khốn khổ" vì giá lợn hơi cao kéo theo giá thịt lợn đắt đỏ mà người chăn nuôi lợn cũng gặp khó vì giá con giống tăng theo từng ngày, do nguồn hàng khan hiếm.

Giá lợn giống có nơi lên gần 3 triệu đồng/con.

Sau thời gian dài "treo chuồng" vì dính dịch tả lợn châu Phi, anh Lê Văn Tám tại Bình Lục, Hà Nam đang tìm mua gần 100 con lợn giống để về tái đàn. Tuy nhiên, dù đã đi hỏi nhiều nơi nhưng giá lợn giống rẻ nhất anh có thể mua được cũng lên tới 2,4 - 2,5 triệu đồng/con, đối với loại 7 - 10kg.

"Tính ra, mỗi con lợn giống mua vào đã ngót nghét gần 3 triệu đồng, có thể nói cao gấp đôi năm ngoái. Để có thể xuất chuồng được thì chi phí sản xuất sẽ rơi vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/con lợn, chưa kể các chi phí đảm bảo an toàn sinh học trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào. Như vậy, người chăn nuôi cũng rất khó có lãi", anh Tám chia sẻ.

Anh Tám cũng thông tin, giá lợn giống đang tăng theo ngày, cách đây 2 hôm khi anh hỏi mua, loại lợn này có giá thấp hơn 20.000 - 30.000 đồng, nhưng vài ngày sau đã tăng giá. Anh lo nếu không mua sớm, giá có thể tăng thêm.

Vốn là chủ trang trại có gần 3.000 con tại Gia Kiệm, Đồng Nai nhưng gần như mất hết do dịch tả lợn, anh Long vừa tái đàn hơn 1.000 con lợn cho biết: "Đợt dịch vừa rồi gần như tôi mất trắng, treo chuồng cả nửa năm mới dám tái đàn lại. Đợt này lợn đang được giá nên cũng cố gắng gom tiền cộng với vay thêm ngân hàng để mua lợn nái và lợn giống về gây đàn. Chi phí bỏ ra cho tới thời điểm này là hơn 3 tỷ đồng".

Lý giải về nguyên nhân giá lợn giống tăng cao, anh Long cho rằng đây là điều đương nhiên bởi dịch tả lợn đã gây thiệt hại lớn về đàn lợn khiến nguồn hàng ít ỏi. Lượng lợn nái bị giảm nhiều, trong khi đó, hầu hết lợn trong dân không còn nên chỉ còn một lượng lợn giống tại các công ty, trang trại chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học không bị dính dịch. "Nhu cầu tái đàn lại lớn nên giá bị đẩy lên cao là điều dễ hiểu", anh Long nói.

Theo ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, dịch tả lợn đã khiến địa phương này phải tiêu hủy khoảng 450.000 con lợn với trọng lượng 23.930 tấn, tổng đàn lợn trên địa bàn giảm 19,41% so với thời điểm trước dịch. Hiện nay đàn lợn tỉnh Đồng Nai có khoảng 2,031 triệu con.

"Hiện nay, công tác tái đàn, khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn của tỉnh đang triển khai khá hiệu quả. Sắp tới, tỉnh có hướng giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, phát triển trang trại. Các trang trại nuôi lợn thịt được khuyến khích nuôi một số ít lợn nái để chủ động con giống, hạn chế nhập và phụ thuộc bên ngoài - đó chính là cách hạn chế dịch bệnh", ông Chánh cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, đến nay, Việt Nam đã cơ bản giữ được an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con, toàn là những tổ hợp gien tốt hàng đầu thế giới. Nhưng với số lượng lợn tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi khoảng 6 triệu con cộng việc giảm tổng đàn theo tự nhiên ngoài dịch, đến nay Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% tổng đàn so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, hiện nay các địa phương đang được khuyến khích tăng đàn, tái đàn, song quan điểm của Bộ NN&PTNT phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học mới được phép tái đàn, bởi thực tế mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.

"Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành chăn nuôi lợn. Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi như này được, sẽ phải có nhiều giải pháp để điều hành", ông Cường nhấn mạnh.


Theo VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/chay-hang-gia-lon-giong-dat-ky-luc-1047942.vov

  • Từ khóa