Đồng Nhân dân tệ điện tử và bài toán thúc đẩy tiền kỹ thuật số ở Việt Nam?

Thứ 3, 19.05.2020 | 15:25:01
747 lượt xem

Cần theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của đồng NDT điện tử và các đồng tiền kỹ thuật số khác để có phương án xử lý và chính sách phù hợp.

Việc thử nghiệm đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử của Trung Quốc được đánh giá là bước tiến mới của quốc gia này, trong chiến lược phát triển thanh toán không tiếp xúc. Động thái này thu hút sự quan tâm của dư luận và có thể gợi mở cho các nghiên cứu về tiền kỹ thuật số trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Từ lý do phát hành…

Sau gần 2 năm nghiên cứu về đồng NDT kỹ thuật số, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số. Theo đó, từ đầu tháng 5, nhân viên các cơ quan nhà nước tại 4 khu vực: Tô Châu, Bảo Định, Thành Đô và Thâm Quyến sẽ nhận lương hoặc các khoản phụ cấp một phần dưới dạng đồng NDT điện tử. Một số công ty nước ngoài như Starbucks, McDonald’s và Subway cũng sẽ tham gia thử nghiệm.

Đây là đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát hành, trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Đồng tiền này chỉ tồn tại dưới dạng mã code trong ví điện tử. Người dùng sẽ tải xuống ví kỹ thuật số và nạp tiền kỹ thuật số từ tài khoản ngân hàng của họ. Sau đó, có thể thanh toán hoặc nhận tiền từ bất kỳ ai có ví điện tử, giống như việc sử dụng tiền mặt thông thường.

can co ke hoach va kich ban ung pho khi dong ndt dien tu duoc su dung rong rai hinh 1
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC)

Tuy nhiên, nguyên lý vận hành và quản lý đồng NDT điện tử không giống với các loại tiền điện tử khác. Bitcoin và tiền điện tử khác hỗ trợ chuyển khoản ẩn danh mà không cần người trung gian hoặc ngân hàng Trung ương. Đồng NDT điện tử thì khác, sẽ không ẩn danh hoàn toàn và giá trị của nó sẽ ổn định như loại tiền giấy đang lưu thông. Đồng NDT điện tử là đồng tiền pháp định, được kiểm soát bởi chính phủ và không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ Blockchain.

Trung Quốc có những lý do quan trọng để thử nghiệm đồng NDT điện tử, cả về mặt điều hành kinh tế và chính trị. Bác Kinh muốn sáng tạo và kiểm soát tiền điện tử theo cách riêng của mình, tự bảo vệ và tránh tác động của các đồng tiền điện tử khác như Bitcoin, Libra... có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát vốn của nước này.

Việc thử nghiệm đồng NDT điện tử là bước tiến quan trọng, phản ánh tầm nhìn của Trung Quốc về một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, có kiểm soát, trái ngược với các loại tiền điện tử hiện có. Cho phép khắc phục nguy cơ đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính Trung Quốc và toàn cầu; Đối phó với hoạt động rửa tiền và các hành vi phi pháp khác; Đưa Trung Quốc tiến nhanh đến xã hội không tiền mặt; Tăng cường vị thế, đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng NDT, thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.

Đến lợi ích và thách thức…

Các chuyên gia, đồng NDT điện tử có những lợi ích nổi bật như: Thuận tiện, an toàn, chi phí thấp, độ tin cậy cao, hạn chế được rủi ro của việc dùng tiền mặt; Nâng cao hiệu quả  thực thi chính sách tiền tệ và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính; Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với người dân và doanh nghiệp; Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh (như Covid-19) do lưu thông tiền tệ truyền thống.

Đặc biệt, do đồng NDT điện tử là tiền kỹ thuật số, “điện tử hóa” dạng vật chất của tiền mặt nên không ảnh hưởng nhiều đến lượng cung tiền, có thể tạo thêm dư địa cho chính sách tiền tệ và điều tiết tốt hơn các chính sách vĩ mô khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ, khôi phục kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Theo chuyên gia phân tích tiền điện tử Arnold Kirimi, tình hình kinh tế hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19 thì tiền điện tử hoặc Bitcoin sẽ là phương pháp đầu tư thay thế hiệu quả ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng NDT điện tử cũng tiềm ẩn những rủi ro, thách thức nhất định. Ở thời điểm hiện tại, quan điểm giữa các nước về tiền kỹ thuật số còn có sự khác biệt rất lớn, điều đó khiến cho khả năng công nhận lẫn nhau là khá mong manh. Sự xuất hiện đồng NDT điện tử cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đang trong bế tắc thương mại và cuộc chiến giành quyền thống trị mạng di động 5G.

Những rủi ro về kỹ thuật trong quá trình thực hiện giao dịch đồng NDT điện tử vẫn có thể xảy ra như lỗi thiết bị, mất dữ liệu do virus, hackers có thể xâm nhập vào hệ thống… ảnh hưởng đến quyền riêng tư thông tin tài chính của người sử dụng, đến mức độ và khả năng chấp nhận của người dân.

Và những gợi ý nghiên cứu

Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đã thử nghiệm đồng NDT điện tử và một số nước khác cũng đang tính đến việc lưu hành đồng tiền kỹ thuật số, do đó cần theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của đồng NDT điện tử và các đồng tiền kỹ thuật số khác để có thể xác định phương án xử lý và chính sách phù hợp.

Cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc (FDI, FII) để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng NDT điện tử được Trung Quốc sử dụng rộng rãi, trong cả thanh toán và đầu tư quốc tế; Xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng NDT điện tử trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm nghiên cứu, ban hành Chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia; Ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số, Fintech, Mobile Money, cho vay ngang hàng (P2P lending)…

Đẩy mạnh chương trình giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số và các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư; Thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xã hội không tiền mặt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bắt kịp xu thế thế giới.

Thực hiện nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số. Nâng cấp hệ thống thanh quyết toán tức thời (RGTS), cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phi ngân hàng được tiếp cận RGTS, tiến tới cho phép tiền kỹ thuật số được tích hợp một cách hiệu quả vào hệ thống thanh toán quốc gia; Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số nói chung, đồng NDT điện tử nói riêng. Chủ động phối hợp nghiên cứu, chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến đồng tiền kỹ thuật số, tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, trốn thuế. Nghiên cứu cơ chế lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số. Nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới đảm bảo an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia./.


CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/dong-nhan-dan-te-dien-tu-va-bai-toan-thuc-day-tien-ky-thuat-so-o-viet-nam-1050116.vov

  • Từ khóa