Câu 1: Ông Tô Văn Long, trú tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc hỏi: Những đối tượng nào được xem là thân nhân của người có công với cách mạng được Nhà nước đóng Bảo hiểm y tế?
Trả lời: Thân nhân người có công với cách mạng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Theo quy định tại khoản 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định: “Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định đã nêu ở bên”
Để xác định rõ các đối tượng nào là thân nhân của người có công được hưởng chính sách này, ngày 26/7/2016, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm:
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
- Con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Câu 2. Ông Mai Văn Báu, trú tại thị trấn Bình Gia huyện, huyện Bình Gia hỏi: Những người nào được quyền yêu cầu bồi thường oan sai do người thi hành công vụ gây ra, nhà nước bồi thường người bị oan sai trong những trường hợp nào?
Trả lời:
Người bị oan sai được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho những tổn hại về tinh thần và vật chất mà mình phải chịu. Từ ngày 01/07/2018, việc giải quyết bồi thường oan sai được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Người thiệt hại được định nghĩa là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra.
Điều 5 Luật quy định người thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật… có quyền yêu cầu bồi thường.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường
Nhà nước bồi thường trong trường hợp sau:
Theo điều 18, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ.
- Người bị bắt, bị tạm giữ mà có quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù được xác định không phạm tội.
- Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan…
Câu 3. Ông Nông Văn Phú, trú tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia hỏi: Hiện nay mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Ngày 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng. Hằng tháng mức trợ cấp, phụ cấp với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 theo diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.
Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của một liệt sĩ 1.624.000 đồng; thân nhân của hai liệt sĩ 3.248.000 đồng; thân nhân của ba liệt sĩ trở lên 4.872.000 đồng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ) hưởng mức phụ cấp 1.361.000 đồng.
Người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình hưởng mức trợ cấp 1.624.000 đồng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến hưởng mức trợ cấp 1.361.000 đồng.
Trường hợp Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% - 100%, mức trợ cấp từ 1.695.000 đồng - 4.137.000 đồng. Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có bệnh tật đặc biệt nặng hưởng phụ cấp 1.624.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần
Trợ cấp ưu đãi hàng năm được quy định như sau: Liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng là 500.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại: Cơ sở giáo dục mầm non 200.000 đồng; cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật 250.000 đồng; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, phổ thông dân tộc nội trú 300.000 đồng.
Trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là 300.000 đồng.
Về trợ cấp ưu đãi một lần, Nghị định quy định: Trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn; hỗ trợ chi phí báo tử 1.000.000 đồng.
Đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chết trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến được truy tặng, mức trợ cấp 20 lần mức chuẩn./.