QĐND Online – Ngày 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp.
Tại điểm cầu Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì điểm cầu; cùng dự có các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với “khó khăn kép”, vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều DN đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là DN có quy mô vừa và nhỏ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, DN đánh giá cao giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ của Chính phủ tới DN thời gian qua. Tuy nhiên, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ cần thực hiện triệt để việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách; thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. “Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MINH TRANG |
Nhấn mạnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Điển hình, từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới và phát triển bứt phá. Đây thực sự là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.
“Ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ. Theo đó, cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đã áp dụng đối với công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Cải cách thể chế, giải pháp quan trọng để khôi phục, phát triển kinh tế
Nhấn mạnh việc dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước đã giúp DN và nền kinh tế đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cuối tháng 4 đầu tháng 5-2020, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III-2020, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này là đáng khích lệ và tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức trực tuyến đến các điểm cầu trên cả nước. Ảnh: MINH TRANG |
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, DN vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng. Theo đó, DN kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành; tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay...
Theo ông Vũ Tiến Lộc khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam vào thời điểm này là về thị trường tiêu thụ. Theo đó, VCCI đề nghị, phát động những tháng cao điểm, từ nay đến cuối năm, phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam", để tiếp sức cho DN Việt. Về các giải pháp căn cơ và dài hạn hơn trong thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đẩy mạnh cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất. “Trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, DN cho biết không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Chính vì vậy, sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Thúc đẩy tinh thần chống trì trệ
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, có một Việt Nam hào khí trong thời khắc cách đây hàng chục năm. Người dân Việt Nam đang được sống trong không khí hân hoan của tháng 5 lịch sử và đầy ý nghĩa với dịp kỷ niệm những sự kiện lịch sử hào hùng. Chúng ta cũng đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có biến cố y tế nào lại tác động mạnh khắp thế giới như dịch Covid-19 mà hậu quả hiện đã vượt xa các đại dịch khác, không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ, mạng sống của nhóm người, một cộng đồng mà đã ảnh hưởng hàng tỷ người trên thế giới. Trên phương diện kinh tế, đại dịch ảnh hưởng lên chuỗi cung cầu, thị trường tài chính; sản xuất, kinh doanh (SXKD), từ công nghiệp đến dịch vụ, hàng không đến du lịch, bất kể các ngành nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi.
Nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, mặc dù khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng tăng trưởng. Theo đó, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm các cải cách thể chế, cơ cấu, sớm vươn lên khi dịch bệnh bị đẩy lùi. Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. “Có được điều đó là do dân tộc ta có sẵn cách đề kháng của tinh thần đoàn kết, tuân thủ của người dân. Mỗi người chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng. Việt Nam cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19”, Thủ tướng khẳng định.
Trên phương diện kinh tế, mặc dù phải tuân thủ giãn cách xã hội và gián đoạn nguồn cung, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bình quân cao hơn các nước khác. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam không phải phụ thuộc quá lớn thị trường thế giới. Năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam là vô cùng lớn. Nhiều DN duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao. Thị trường chứng khoán đi xuống nhưng nhiều cổ phiếu tăng trưởng cao. Nhiều DN vẫn hướng đến những giá trị thiết thực, lấy giá trị con người làm trung tâm, không phải giá trị ảo.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì điểm cầu Bộ Quốc phòng. Ảnh: DUNG VŨ |
Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho người dân và nền kinh tế. Chống dịch nhưng phải bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, nhịp sống xã hội đang dần bình thường, nền kinh tế sẽ như "chiếc lò xo bị nén lại" và bây giờ sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu phải khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng hơn 5% năm 2020. Đồng thời, lạm phát ở mức dưới 4%.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, hội nghị này cần phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước phải hành động, quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới. Hội nghị này không phải dịp bàn lùi, kể lể, than vãn, mà phải nêu được những trở ngại lớn với nền kinh tế và đề ra các giải pháp. Chính phủ không trực tiếp tăng lợi nhuận cho DN nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy tăng năng suất vì chỉ tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững.
Hội nghị phải thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng tốc phát triển. Với trách nhiệm đó thì sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của người dân, DN, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành là rất lớn. Các bộ, ngành, địa phương "xắn tay áo" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho DN với một tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ, dám làm, kiến tạo, phát triển “Giờ đây, tinh thần chống trì trệ phải được thúc đẩy. Virus trì trệ ở đâu ? Đừng nhìn ở đâu xa mà ở ngay tổ chức, địa phương, DN của mình”, Thủ tướng nêu rõ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị với cộng đồng DN yêu Tổ quốc; đoàn kết, cần hợp tác với nhau; không nản chí; năng động, quyết đoán; sáng tạo; cần có niềm tin. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi hãy dám nghĩ lớn, làm lớn; hãy ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực.
MẠNH HƯNG – VŨ DUNG/qdnd.vn