Vấn đề Biển Đông đòi hỏi các nước phải hợp tác chặt chẽ để gây sức ép buộc Trung Quốc phải chấm dứt những hành vi sai trái trong thời gian qua.
Đây là nhận định được ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), Mỹ, đưa ra tại Hội thảo trực tuyến về vấn đề Biển Đông có chủ đề “Đi qua những vùng biển tranh chấp” diễn ra ngày 15/5.
Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), Mỹ. |
Đoàn kết ngăn chặn Trung Quốc
Ông Poling khẳng định, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo cơ chế đa phương. Những hành động riêng rẽ của các quốc gia có liên quan trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia … hay các quốc gia ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản … gần như không có nhiều tác động đến Trung Quốc và cũng rất khó thuyết phục Bắc Kinh thay đổi những hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông.
Chuyên gia hàng đầu về an ninh của Mỹ cho rằng các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc để Trung Quốc nhận thấy những lợi ích to lớn từ việc này trong khi vẫn buộc Trung Quốc phải tôn trọng quyền khai thác và bảo vệ những nguồn lợi về tài nguyên, khoáng sản hợp pháp của các quốc gia trong khu vực ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi chèn ép ngang ngược như đã từng diễn ra trong thời gian qua.
Cũng theo ông Poling, giờ là lúc Trung Quốc có thể tính đến việc tiếp diễn và thậm chí là làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông sau khi nước này về cơ bản đã khống chế được đại dịch Covid-19 trong khi nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vẫn đang vật lộn đối phó với dịch bệnh.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo trái phép bãi Chữ thập và xây dựng các công trình phi pháp trên đó. Ảnh: CSIS/AMTI |
Chính vì thế, theo ông Poling, các nước trong khu vực cần thống nhất quan điểm về những gì cần phải làm để đối phó với những tham vọng.
“Sự đoàn kết của các nước trong khu vực nếu được thể hiện đúng lúc và mạnh mẽ sẽ khiến Trung Quốc buộc phải thể hiện mình là một bên có trách nhiệm hơn ở Biển Đông nếu không muốn hình ảnh quốc gia của nước này bị tổn hại nghiêm trọng hơn”, Giám đốc AMTI Greg Poling nhấn mạnh.
Không quá trông đợi vào FONOP
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ sự quan tâm đến những hành động của Mỹ ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai các tàu chiến nhằm thực hiện sứ mệnh “đảm bảo tự do hàng hải và hàng không” (FONOP) ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Greg Poling cho rằng, dù thường được coi là một trong những “hoạt động mang tính chiến lược” của Mỹ đối với tình hình Biển Đông và hoàn toàn mang tính hợp pháp, FONOP trên thực tế được đánh giá là “không gây nhiều tác động” đến Trung Quốc cũng như vấp phải những phản ứng trái chiều từ chính các quốc gia trong khu vực.
Điều này được minh chứng rõ rệt nhất từ Philippines – một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ đã liên tục tiến hành nhiều đợt FONOP qua vùng biển của Philippines nhưng vẫn không ngăn được Trung Quốc phong toả và chiếm đóng phi pháp bãi cạn Scarborough.
Sau vụ việc nói trên, không chỉ Philippines mà nhiều đồng minh khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã nhận ra rằng, FONOP không phải là cách thức hiệu quả để buộc Trung Quốc thay đổi hành vi sai trái của mình ở Biển Đông.
Thậm chí, nhiều quốc gia còn cho rằng, FONOP chỉ là cách để Mỹ thể hiện rằng, Mỹ có quan điểm hoàn toàn độc lập và không bị tác động từ phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. FONOP vì thế được coi là “hành động cần thiết” nhưng “vẫn chưa đủ mạnh” của Mỹ trước những hành vi khiêu khích ngày càng leo thang của Trung Quốc trong thời gian gần đây ở Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ thực hiện sứ mệnh “đảm bảo tự do hàng hải và hàng không” (FONOP) ở Biển Đông. Ảnh: Reuters |
“Mỹ vẫn chưa đề ra được một chiến lược cụ thể nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và FONOP chỉ là một hành động mang tính biểu tượng nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh then chốt trong khu vực”, ông Greg Poling đánh giá. Đây cũng chính là lý do khiến Trung Quốc trong thời gian qua ngày càng đẩy mạnh những hành vi sai trái nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.
Vị chuyên gia người Mỹ cho rằng, tình hình hiện nay ở Biển Đông đã rất nghiêm trọng nhưng chưa đến mức “không thể cứu vãn”. Tuy nhiên, ông Poling cảnh báo, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần sớm có những hành động cấp bách và quan trọng nhất là cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn mưu đồ sai trái của Trung Quốc trước khi mọi việc đi quá xa trong vòng 10 năm tới./.
Trần Khánh-Hồ Điệp/VOV.VN