Ông Lê Thanh Vân – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đưa ra 8 lý do để đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật về an ninh kinh tế.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Đồng tình với nhận định rằng, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Vì thực chất đây là hoạt động xây dựng thể chế và Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh muốn tăng trưởng, đổi mới, phát triển thì phải “thể chế và thể chế”.
Cùng với đó là trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, coi việc khởi xướng chính sách, xây dựng, soạn thảo chính sách là điểm đánh dấu năng lực của chính khách.
Mở rộng thành phần ban soạn thảo để kiểm soát quyền lực, phản biện chính sách ngay từ trong quá trình xây dựng dự thảo.
Nguy cơ ảnh hưởng an ninh kinh tế
Phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề xuất xây dựng Luật an ninh về kinh tế với 8 lý do.
Đại biểu Lê Thanh Vân |
Đó là xuất phát từ nguy cơ đe doạ đến an ninh kinh tế như nguy cơ chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Đơn cử như hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong nhiều công cụ ở các lĩnh vực từ du lịch đến hoạt động kinh doanh khác; vấn đề dự án bất động sản ven biển đang được dư luận quan tâm...
Đó còn là nguy cơ từ bất ổn cân đối vĩ mô qua chỉ số tăng trưởng đầu tư công, an toàn chính sách tài khoá; tham nhũng qua dự án hợp tác quốc tế vì qua hợp tác để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm nhằm thao túng kinh tế; tham nhũng từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất đai; khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất; an ninh môi trường sống, đe doạ tính mạng của nhân dân; nguy cơ về an ninh văn hoá.
“Cuối cùng là tác động toàn cầu hoá từ đại dịch Covid-19 cho thấy rằng thế giới đang được vẽ lại bản đồ chính trị - kinh tế. Lỗ hổng toàn cầu thông qua đại dịch buộc các quốc gia thắt chặt an ninh kinh tế theo cách riêng của mình, đó là bảo đảm nội lực để ngăn tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của dịch có thể phá vỡ độ liên kết giữa các quốc gia trong hoạt động kinh tế” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Theo đại biểu, đạo luật An ninh về kinh tế có thể tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế để chế định vấn đề mang tính nguyên tắc nhất, để xử lý vi phạm liên quan an ninh kinh tế.
“Quốc hội có lẽ nên giao cho cơ quan của Quốc hội hoặc Chính phủ nghiên cứu ban hành đạo luật này” – ông Lê Thanh Vân đề nghị.
Băn khoăn về việc rút Luật đất đai
Cũng tại phiên họp sáng nay, chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.
“Nếu kịp thì báo cáo UBTVQH cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, UBTVQH đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Bày tỏ không đồng tình về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021 theo hướng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết đánh giá làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai chứ không phải một số điều để khắc phục vướng mắc, phù hợp thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân |
“Vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần kiến nghị Quốc hội hoàn thiện luật. Việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, nếu chậm xem xét sửa đổi bổ sung thì ảnh hưởng đến điều hành, quản lý thúc đẩy kinh tế xã hội và giữ vững trật an toàn xã hội” – đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.
Đồng thời, vị đại biểu đoàn Cần Thơ cũng nêu quan điểm cần bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020 để giúp bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là làm rõ trách nhiệm, báo cáo rõ nguyên nhân của việc chậm trễ, xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri.
Cũng góp ý vào nội dung này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh nguyên tắc lập Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được Quốc hội ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế
“Mặc dù nguyên tắc đưa ra như vậy nhưng khi đưa vào và rút ra một số dự án luật lại không đúng tinh thần này. Ví dụ Luật Đất đai, tại kỳ họp trước, đại biểu nhất trí phải đưa vào chương trình vì nó rất quan trọng. Phần lớn tranh chấp, xung đột do đất đai, doanh nghiệp nguy khốn mà người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai” – ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến./.
Ngọc Thành/VOV.VN