Nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo sớm thành lập Bộ Thanh niên

Thứ 3, 26.05.2020 | 10:18:49
697 lượt xem

Thảo luận về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc thành lập Bộ Thanh niên.

Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục họp trực tuyến để nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

nghien cuu ky luong, thau dao som thanh lap bo thanh nien hinh 1
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc phong phát biểu. Ảnh TTXVN.

Các quy định về quyền, nghĩa vụ và chính sách cho thanh niên trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 nên có những quy định cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của thế hệ trẻ.

Thắp lửa trái tim nhiệt huyết của thanh niên

Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Theo đó, đa số ý kiến cho rằng dự án Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên.
Một số ý kiến cho rằng Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật về đối tượng nên các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự án Luật trùng lặp; dự án Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.

nghien cuu ky luong, thau dao som thanh lap bo thanh nien hinh 2
Một số ý kiến cho rằng Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật về đối tượng nên các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự án Luật trùng lặp; dự án Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.

Dự án Luật trình tại Kỳ họp này gồm 7 chương, 41 điều, giảm 21 điều so với dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chỉnh lý cơ bản dự án Luật theo hướng thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành một điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên.
Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự án Luật bổ sung một chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện  trách nhiệm của mình, dự án Luật cũng quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.
Với cách tiếp cận này, dự án đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mặt khác, dự án Luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội trong việc tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong, cho rằng: “Luật Thanh niên không chỉ để giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của thanh niên mà còn phải hỗ trợ, tiếp sức và khơi dậy trong thanh niên mong muốn được học tập, rèn luyện và cống hiến. Muốn vậy, cần có những chính sách thực sự phù hợp, quy định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của các cấp bộ, ngành, quản lý nhà nước để động viên, thúc đẩy thanh niên thực hiện”.

Cũng theo các ý kiến tại hội nghị này, về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chỉ nên tập trung vào 3 nhân tố chính: học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Về chính sách đối với thanh niên, cần tập trung các chính sách nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho sự ra đời lớp người lãnh đạo chính trị trẻ, đội ngũ tài năng trẻ trên các lĩnh vực, thanh niên khởi nghiệp; chính sách tập hợp đoàn kết và phát huy thanh niên Việt Nam ở nước ngoài hoặc thu hút thanh niên Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc; chính sách thu hút thanh niên có tài năng vào làm việc trong khu vực nhà nước.

nghien cuu ky luong, thau dao som thanh lap bo thanh nien hinh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh TTXVN

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những quy định cần làm rõ trong dự thảo luật chính là sự tham gia của thanh niên vào công tác hoạch định chính sách của đất nước.

“Thanh niên chính là người thụ hưởng, đối tượng chịu tác động của các chính sách xây dựng hiện tại nên phải có tư duy của thanh niên để tưởng tượng ra 5, 10 năm nữa với chính sách đó mình sẽ được thụ hưởng như thế nào”, đại biểu Vũ Trong Kim, đoàn Hải Dương phân tích và cho rằng việc tham gia của thanh niên vào hoạch định chính sách là một nét mới cần phải được quan tâm, đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này.

Ủng hộ nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên

Trong khi đó, nhiều đại biểu  thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cho rằng Quốc hội cần nhanh chóng nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo việc thành lập Bộ Thanh niên.

nghien cuu ky luong, thau dao som thanh lap bo thanh nien hinh 4
Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ) cho rằng: “Cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhằm bảo đảm tính kế thừa trong công tác quản lý Nhà nước về thanh niên tốt hơn và hiệu quả hơn”.

Đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ) cho rằng: “Cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong thời gian sớm nhằm bảo đảm tính kế thừa trong công tác quản lý Nhà nước về thanh niên tốt hơn và hiệu quả hơn”.

Từ thực tế tìm hiểu ở các quốc gia, đại biểu Nghi cho rằng, quản lý thanh niên cần gắn với một bộ nào đó, ví dụ Bộ Thanh niên và Thể thao.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, trong điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên không?

Về chính sách đối với thanh niên, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên năm 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, dự thảo Luật quy định chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù bao gồm chính sách dành cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Các chính sách này được thiết kế theo hướng: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt để thanh niên thuộc các nhóm đối tượng này phát huy được khả năng của mình, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời quy định các giải pháp về chính sách để huy động lực lượng thanh niên này tham gia vào các dự án, hoạt động cụ thể nhằm phát triển đất nước .

Cụ thể, đối với thanh niên có tài năng, Dự thảo luật quy định: Có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền./.


Phi Long/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/nghien-cuu-ky-luong-thau-dao-som-thanh-lap-bo-thanh-nien-1052466.vov

  • Từ khóa