Thủ tướng yêu cầu cùng với việc đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần hiến kế thu hút đầu tư xã hội, vốn FDI và tư nhân.
Sáng nay (9/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng nhằm đánh giá những nhiệm vụ đã triển khai và đề ra những nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các chuyên gia cùng với việc đưa ra các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần hiến kế thu hút đầu tư xã hội, vốn FDI và tư nhân. |
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thực trạng dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn ở nhiều nước là đối tác lớn của Việt Nam. Không khí đầu tư, thương mại của quốc tế bị ảnh hưởng rất lớn. Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá, năm nay, ASEAN tăng trưởng kinh tế âm 2%, thế giới tăng trưởng âm 4,9%. Điều đó dẫn đến hầu hết các nước nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, đến nay giá trị các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế của các nước đã khoảng 11.000 tỷ USD và có thể còn tiếp tục mở rộng. Mức bội chi ngân sách của nhiều nước được điều chỉnh tăng lên.
Trước bối cảnh đó, nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh sớm nhờ đối sách phù hợp, quyết sách kịp thời, giúp 3 tháng qua không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tăng trưởng kinh tế nửa năm chỉ 1,81%, dù thấp trong 10 năm nhưng là mức cao của khu vực. Điều đó cho thấy việc thực hiện mục tiêu kép hiệu quả, vừa kiểm soát dịch, vừa không để nền kinh tế đứt gãy, đồng thời tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội.
Nhấn mạnh ổn định vĩ mô tiếp tục là mục tiêu quan trọng của nước ta, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những rủi ro, nhất là giá một số mặt hàng quan trọng như dầu thô, biến động giá thịt lợn từ đầu năm. Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dưới 4%. Cùng với đó là khai thác dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm thì cần những giải pháp để kích thích xuất khẩu và kích cầu nội địa.
Với tinh thần càng khó khăn thì càng phải khắc phục vươn lên, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Hội đồng nêu giải pháp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó là kiến nghị cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kinh tế số, mô hình kinh doanh mới như kinh tế ban đêm, chia sẻ, thanh toán điện tử…/.
Vũ Dũng/VOV