Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành 26/27 chỉ tiêu đề ra.
Sáng 12/7, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 – 2020, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc. |
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng mà Ninh Thuận đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Qua hơn 4 năm thực hiện, Ninh Thuận đã hoàn thành 26/27 chỉ tiêu đề ra, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân đạt 10,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng (tăng bình quân 12,8%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt trên 78 ngàn tỷ đồng (tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước). Giải quyết việc làm mới đạt 82,7 ngàn người. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,74% (giảm bình quân hằng năm 1,84%). Có 28 xã (59,6% số xã), 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường. Sản xuất thủy sản phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển khai thác xa bờ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp, xây dựng chuyển biến tích cực. Tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo được khai thác có hiệu quả. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo từng bước hình thành, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia.
Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm đầu tư và phát triển ổn định. Các chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, kịp thời. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân được quan tâm đầu tư. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy; xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu. Trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cải thiện rõ nét.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được quyết liệt chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.
Bên cạnh báo cáo kết quả đạt được, đại diện Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã có những kiến nghị đề xuất, trong đó có nội dung: đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư kết nối liên thông các hồ chứa phía Bắc và phía Nam tỉnh, với tổng kinh phí dự kiến 8.000 tỷ đồng,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức như điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, tình hình dịch bệnh Covid-19, nắng hạn gay gắt..., Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã có nhiều cố gắng vượt qua để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư lưu ý tỉnh Ninh Thuận cần tập trung rà soát lại vấn đề quy hoạch, đặc biệt là việc quản lý tài nguyên khoáng sản đất đai; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tỉnh Ninh Thuận cần chủ động hơn nữa công tác tích trữ nước, chống hạn hán, đảm bảo đủ nguồn nước cho người dân sử dụng vào mùa khô, đẩy mạnh công tác giữ rừng và tăng độ che phủ rừng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu: "Các đồng chí tập trung rà soát hoàn thiện lại quy hoạch trong toàn tỉnh. Du lịch là gì, chúng ta đi sau thì phải khác các tỉnh đi trước, toàn bộ đường ven biển 105 cây số như vậy, đề nghị các đồng chí phải có quy hoạch, chỗ nào làm du lịch, chỗ nào làm nghề cá, chỗ nào làm điện năng lượng, chỗ nào làm cảng. Chúng ta phải có quy hoạch. Mà quan trọng nhất là chúng ta đã có quy hoạch thì phải làm theo quy hoạch".
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh phải quan tâm thường xuyên công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chú trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, thực hiện quy chế tập trung dân chủ… Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận tập trung rà soát, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nhân sự cho đại hội phải đúng tiêu chuẩn, kiên quyết không lựa chọn những cán bộ có biểu hiện suy thoái chính trị, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng…
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ninh Thuận, trước đó ngày 11/7, đoàn công tác do ông Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn đã đến thăm các mô hình năng lượng tái tạo và thị sát đời sống người dân ở xã An Hải, huyện Ninh Phước./.
Đoàn Sĩ/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/thuong-truc-ban-bi-thu-tran-quoc-vuong-lam-viec-tai-ninh-thuan-1069910.vov