Chú trọng xác minh những cán bộ nhiều đất, nhiều nhà, giàu nhanh mà không giải trình được là một trong những nguyên tắc làm công tác nhân sự của Đăk Lăk.
Sau hội nghị tổ chức tại Hà Nội xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và chuyên gia về dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Cường chia sẻ với VnExpress công tác chuẩn bị nhân sự đại hội.
- Nhiệm kỳ 2015 - 2020 sắp kết thúc. Công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ mới của tỉnh đến nay như thế nào, thưa ông?
- Quá trình chuẩn bị nhân sự của chúng tôi thực hiện theo đúng chỉ thị của TƯ. Chúng tôi xác định tuyển chọn người có tâm, có tầm, có tài để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Cán bộ tái cử và cán bộ lần đầu nhận nhiệm vụ đều thực hiện quy trình năm bước. Mỗi chức danh quy hoạch 2 đến 3 người, thậm chí 5 người để chọn một người xứng đáng giới thiệu ứng cử, bầu cử hoặc chỉ định tùy theo vị trí.
Nhân sự chuẩn bị cho các vị trí khối Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể, sở ngành, địa phương đều đảm bảo cơ cấu tỷ lệ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số... Bên cạnh đảm bảo cơ cấu, nhân sự phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà chúng tôi hạ thấp tiêu chuẩn.
Trong hồ sơ của mỗi ứng viên giới thiệu để đại hội bầu ở cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh đều có bản kê khai tài sản. Chúng tôi chú trọng xác minh đối với những cán bộ nhiều đất, nhiều nhà, giàu nhanh mà không giải trình được. Tỉnh kiên quyết không bố trí vào cấp ủy những người để người thân lợi dụng chức vụ trục lợi. Tất cả công việc liên quan đến chuẩn bị nhân sự đang tiến hành theo lộ trình, đến tháng 8 sẽ hoàn thiện.
- Tại hội nghị cán bộ toàn quốc diễn ra cuối tháng 4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý "chuẩn bị nhân sự phải có con mắt tinh đời, đừng thấy đỏ mà tưởng chín". Đăk Lăk đã và đang làm gì để không chọn nhầm nhân sự?
- Đánh giá cán bộ luôn là một việc rất khó khăn. Chúng tôi phải xem xét toàn diện các khía cạnh vì hồ sơ, tướng mạo đẹp thôi chưa đủ, ứng viên phải có sản phẩm tốt khi thực hiện nhiệm vụ ở các vị trí trước đó. Ngoài ra, ứng viên cũng phải là người có đạo đức, lối sống giản dị, không xa hoa, lãng phí.
Một người có quá trình công tác bình bình, không có sản phẩm gì cụ thể... không thể thuộc nhóm ưu tiên. Vì vậy, mỗi nhân sự phải trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thể hiện năng lực của mình.
Bí thư tỉnh uỷ Bùi Văn Cường. Ảnh: Hoàng Phong
- Tỉnh Đak Lăk áp dụng quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
- Ngay sau khi có quy định của cấp trên, chúng tôi đã ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện. Tập thể lãnh đạo tỉnh thống nhất thí điểm tuyển chọn bí thư cấp ủy cấp huyện - một giải pháp hiệu quả để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền. Hai nơi thực hiện đầu tiên là huyện Lăk và Buôn Đôn.
Chín người đủ tiêu chuẩn tham gia thuyết trình giải pháp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và trả lời các câu hỏi của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chúng tôi đưa ra các trường hợp giả định, yêu cầu ứng viên tìm cách giải quyết nếu ở vị trí Bí thư Huyện uỷ. Ví dụ như, nếu có bạo động hay cháy rừng xảy ra thì anh chỉ đạo xử lý thế nào? Hai trong số 9 người ứng tuyển xuất sắc nhất đã được lựa chọn.
Phương án tuyển chọn cán bộ này giúp Ban thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá sát hơn đội ngũ cán bộ, xoá bỏ câu chuyện "thân quen nên được chọn". Ví dụ, Bí thư Tỉnh ủy, Phó bí thư Tỉnh ủy có thích anh A, anh B, nhưng người này ra trình bày không tốt, không sắc sảo thì làm sao được chọn? Thi tuyển cạnh tranh như thế này rất minh bạch, thân quen hay không không giải quyết được gì.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn thông qua thuyết trình yêu cầu các ứng viên phải tự đọc, tự nghiên cứu kỹ lưỡng về địa bàn, điểm mạnh yếu thế nào, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh ra sao..., từ đó đề xuất giải pháp phát triển khả thi. Khi họ đã báo cáo Ban thường vụ Tỉnh uỷ và được đánh giá cao rồi thì về địa phương có thể thực hiện ngay, không mất thời gian để làm quen. Hơn nữa, những sáng kiến hay của ứng viên không được chọn cũng được chắt lọc cho người trúng tuyển, tận dụng được chất xám tối đa.
Việc tuyển chọn này cũng tạo cơ hội cho nhiều người hơn. Nếu như trước đây chỉ 1 đến 2 người được lựa chọn ra Ban thường vụ xem xét, bỏ phiếu chọn một người thì nay số ứng viên tăng lên, nhiều người được trao cơ hội thể hiện. Vì vậy, sau khi xin ý kiến và được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đồng ý, chúng tôi tiếp tục tổ chức thi tuyển các chức danh Giám đốc Sở, ngành. Trước hết là Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Công Thương và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do lãnh đạo những cơ quan này sắp nghỉ hưu.
Là một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, chúng tôi xác định phải chọn những cán bộ giỏi nhất, tốt nhất để khai thác được tiềm lực của địa phương, phát triển kinh tế xã hội, giúp cuộc sống của người dân tốt hơn.
- Là cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương, lại đề xuất chủ trương tuyển chọn người đứng đầu thông qua thi tuyển, ông gặp khó khăn gì?
- Một đề xuất mới lúc nào cũng sẽ có ý kiến khác nhau, vì đụng chạm đến một bộ phận lợi ích nhóm. Tuy nhiên, tất cả lãnh đạo tỉnh phải thảo luận kỹ càng, sau đó bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Những ứng viên được lựa chọn mấy tháng qua đã làm rất tốt công việc của mình, khẳng định hướng đi của chúng tôi là đúng đắn. Đến nay, 15/15 huyện, thị, thành phố của Đăk Lăk đã có bí thư không phải người địa phương. Người từ nơi khác đến nhận nhiệm vụ có rất nhiều ưu điểm, ví như không bị ảnh hưởng bởi dòng họ thân quen, hay nể nang khi xử lý công việc. Tuy nhiên, anh muốn tồn tại, phát triển được thì anh phải giỏi. Nếu anh không giỏi sẽ bị ý kiến ngay.
Hoàng Thùy/vnexpress.net
https://vnexpress.net/bi-thu-dak-lak-phai-xac-minh-nhung-can-bo-giau-nhanh-4132179.html