Nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Hà Nội đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ 58,8% xuống còn 51,2%.
Nhờ quyết liệt, bài bản trong triển khai, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết 895 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phường Phạm Đình Hổ mới đã hoạt động hiệu quả và tích cực hơn. |
“Tôi cho rằng việc sáp nhập phường Ngô Thì Nhậm vào phường Phạm Đình Hổ là hoàn toàn đúng đắn. Việc sáp nhập sẽ giúp phường mới có không gian phát triển hơn. Qua những tháng đầu hoạt động, tôi thấy phường hoạt động rất hiệu quả, tinh thần thái độ làm việc của cán bộ, nhất là tại bộ phận phục vụ nhân dân về thủ tục hành chính rất có trách nhiệm”.
Đây là ý kiến của ông Trần Văn Huân, trú tại phố Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng khi nói về hiệu quả hoạt động của phường Phạm Đình Hổ mới. Theo ông Huân, kết quả rõ nét nhất là việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của phường; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ tốt hơn.
Phường Phạm Đình Hổ mới được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và 5.526 người của phường Ngô Thì Nhậm. Sau khi nhập, phường Phạm Đình Hổ có diện tính tự nhiên 0,48km2, quy mô dân số 12.611 người.
Ông Lê Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng cho biết, lấy mục tiêu phát triển bền vững của phường là nhiệm vụ hàng đầu, cán bộ và nhân dân trên địa bàn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, dân chủ.
“Cho đến thời điểm này, cơ cấu tổ chức trong bộ máy trong hệ thống chính trị vận hành đều đặn và ngày càng được nâng cao, đặc biệt là tinh thần đoàn kết phát huy dân chủ trong nhân dân. Đấy là sự đảm bảo giữ vững và ổn định, trong đó giải quyết thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cơ quan và người dân là vấn đề cơ bản”, ông Lê Việt Hùng nói.
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng Ban tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng cho biết, cùng với việc thành lập 2 phường mới (phường Phạm Đình Hổ và phường Nguyễn Du), việc bố trí các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức được Ban Thường vụ Quận ủy thực hiện đúng nguyên tắc, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao.
“Đến nay, hệ thống chính trị của hai phường hoạt động rất hiệu lục, hiệu quả. Sau khi hợp nhất, sáp nhập hai phường mới, Đảng bộ chính quyền của hai phường đã thực hiện ngay việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tổ chức đại hội. Hai phường Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ cũng đã tổ chức thành công đại hội theo đúng tiến độ, thời gian quy định, đảm bảo chất lượng, phương án nhân sự đã xây dựng”, ông Thắng chia sẻ.
Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã cho thấy những kết quả tích cực rất đáng ghi nhận. |
Cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội cũng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, giảm 49 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó phòng. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.
Việc thực hiện tinh giản biên chế đã có sự chuyển biến rõ nét. Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế được 1.172 trường hợp, trong đó 259 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại vị trí việc làm, 484 trường hợp nghỉ do năng lực làm việc hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, việc tinh giản biên chế luôn gắn với triển khai hiệu quả các đề án việc làm: “Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu cả nước về việc triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm.
Trên cơ sở đề án vị trí việc làm được phê duyệt, trong đó có quy định rõ danh mục vị trí việc làm, số lượng người làm việc của từng vị trí để làm cho các cơ quan đơn vị bố trí, tuyển dụng, sắp xếp và đánh giá cán bộ.
Sau 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, thành phố có 646 trường hợp phải thay đổi vị trí việc làm, trong đó có 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ, 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp vị trí việc làm”.
Cũng nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thành phố Hà Nội đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách Nhà nước từ 58,8% (năm 2016) xuống còn 51,2% (năm 2020); tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là nguồn lực cho cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển./.
Huy Nam/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/ha-noi-tiet-kiem-ngan-sach-tu-sap-xep-bo-may-tinh-gian-bien-che-1077772.vov