“Thủ tướng phải nhận được số liệu báo cáo tốt nhất để chỉ đạo điều hành“

Thứ 4, 19.08.2020 | 14:48:13
508 lượt xem

Thủ tướng yêu cầu, cần vận hành hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Sáng nay, 19/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và tiến hành ghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày hôm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Tại sự kiện cũng diễn ra lễ công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Cùng dự sự kiện tại đầu cầu Hà Nội có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành; 63 địa phương tại các đầu cầu trực tuyến.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là địa chỉ cung cấp các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia hình thành trên cơ sở Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương thông qua một phần mềm dùng chung thống nhất cho 63 địa phương. Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, chi phí tiết kiệm khi vận hành Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Về cổng dịch vụ Công quốc gia, sau 9 tháng hoạt động, đến nay đã có dịch vụ công thứ 1.000, gần 60 triệu lượt truy cập, hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Trung bình mỗi ngày xử lý 4 nghìn hồ sơ trực tuyến, hàng trăm giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.

Tại sự kiện, thông qua Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối trực tuyến với các Trung tâm điều hành ở các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, chứng kiến người dân mua ô tô, đóng bảo hiểm, trực tiếp thao tác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương báo cáo về việc thực hiện mục tiêu kép và yêu cầu các địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Riêng với Quảng Ninh thì cần chú ý kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, không để tình trạng nhập cảnh trái phép để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực để đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đánh giá cao VNPT xây dựng hệ thống theo hình thức doanh nghiệp đầu tư và cho thuê lại dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dù trong giai đoạn thử nghiệm nhưng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia triển khai 20 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; 101/200 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối liên thông các hệ thống của 20 bộ, cơ quan; 5 địa phương, 2 tập đoàn. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin như thông tin hàng ngày, vấn đề tiêu điểm, chỉ số quốc tế, thông tin kinh tế xã hội chủ yếu, thông tin kinh tế xã hội vùng và địa phương…

Thủ tướng cũng đánh giá, sau một năm vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 224.000 tài khoản đăng ký, 270.000 hồ sơ trực tuyến. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phổ cập hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ công trực tuyến.  

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động. Do đó cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ là năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”.  

Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, tổ chức chính trị xã hội liên quan.

Thông tin, dữ liệu phải thống nhất theo tiêu chuẩn hoạt động thông suốt đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng. Cần phải đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng ngày càng thích ứng với môi trường  làm việc trên mạng. Hiện nay hệ thống cán bộ chúng ta vẫn chưa phải thành thạo môi trường mạng rất căn bản. Tôi mong rằng trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ. Muốn giỏi công nghệ thì các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương phải tạo điều kiện anh em tiếp thu đầy đủ những nền tảng công nghệ môi trường số hiện nay.

Trong tương lai, Thủ tướng đề nghị phải hướng tới xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên Chính phủ trong một số lĩnh vực với các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước ASEAN, giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác hội nhập quốc tế.

Riêng đối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Nhắc lại mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm nay, Thủ tướng cho rằng, con số 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hôm nay vẫn còn khiêm tốn, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Trong quá trình chia sẻ các số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích. Thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa, liên thông, chia sẻ thông tin để hướng tới xây dựng Chính phủ số, liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương điện tử hóa các chỉ tiêu thống kê, bảo đảm khả năng tích hợp kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách trung thực kịp thời, chính xác.

Trong quá trình vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ bố trí nhân sự theo hướng không tăng biên chế. Đặc biệt là vận hành hiệu quả các hệ thống này.

"Chúng ta khai trương rất rầm rộ và quy mô với rất nhiều thành viên Chính phủ và các vị đại sứ, các cơ quan chức năng dự, nên phải hoạt động liên tục, phát huy hiệu quả, không để cho khai trương xong không phát huy tác dụng. Tất nhiên Thủ tướng sẽ kiểm tra xem Trung tâm hoạt động thế nào?. Hàng ngày Thủ tướng nhận được những báo cáo nào, những chỉ tiêu nào mà thể hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng của đất nước, để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ biết để điều hành kịp thời hơn", Thủ tướng đề nghị.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-nhan-duoc-so-lieu-bao-cao-tot-nhat-de-chi-dao-dieu-hanh-1085238.vov

  • Từ khóa