Một cấp ủy, một Bí thư được bầu ra phải bảo đảm cho họ sự chính danh. Danh chính ngôn mới thuận.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, công tác chuẩn bị nhân sự của một số cấp ủy chưa thật tốt nên có trường hợp bầu không đúng với đề án nhân sự được phê duyệt. Một số ít nơi, nhân sự được giới thiệu tái cử nhưng không trúng cử, cá biệt có cán bộ chủ chốt tái cử không trúng cử cấp ủy hoặc Bí thư, Phó bí thư. Đặc biệt, một số nơi có biểu hiện lạm dụng việc chỉ định bí thư tại đại hội hoặc ngay sau đại hội, gây nhiều ý kiến trái chiều và dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Vậy việc chỉ định Bí thư tại Đại hội có gì bất thường và gây ra những hệ lụy gì? Đây là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV với TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: VTC News)
PV:Ông nhận xét gì về việc chỉ định Bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội như một số địa phương đã làm?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực rất đáng băn khoăn với cách làm như vậy. Đại hội được tổ chức không chỉ để thông qua chương trình mà còn để chọn người triển khai chương trình đó. Như vậy, người triển khai chương trình đó là người đại hội tin rằng có năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ mà đại hội đề ra. Nhưng người được chỉ định lại chẳng liên quan, để lại băn khoăn rất lớn, ảnh hưởng đến thành công của Đại hội, thêm nữa là chế độ trách nhiệm cũng không rõ ràng.
PV:Tại sao một số đại hội lại phải chỉ định Bí thư trong khi việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội được dư luận đánh giá tích cực?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Có lẽ phải có nghiên cứu để chỉ ra nguyên nhân cho khách quan. Nhưng theo suy đoán của tôi, có thể có một số nguyên nhân.
Thứ nhất là chuẩn bị nhân sự không được, cuối cùng khi phê duyệt chương trình, cho ý kiến vào chương trình đại hội về nội dung, nhân sự…, mới thấy là không có nhân sự.
Thứ hai, cũng có thể, cấp trên thấy rằng nhân sự như vậy thì không bầu được.
Thứ ba, cũng có việc dư luận bàn tán nhiều chạy chức chạy quyền, con ông cháu cha… Nếu qua đại hội bầu chưa chắc đã trúng.
Không cấm chỉ định nhân sự tại Đại hội, nhưng về lý lẽ là không ổn
PV:Vậy đối chiếu với Điều lệ Đảng và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng như quy chế bầu cử trong Đảng và pháp luật của Nhà nước, việc chỉ định Bí thư tại Đại hội có hợp lý không?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thực tế là không có một quy định nào cấm việc đó. Nhưng có vấn đề mà từ lý lẽ của nó đã thấy không ổn. Có lẽ ổn hơn, thực tiễn đề ra là có luân chuyển, chỉ định nhưng phải trước khi bầu cử. Chỉ định về cũng không phải là làm Bí thư ngay, mà về để tham gia Ban Chấp hành, rồi sau đó mới được bầu làm Bí thư.
Chỉ định ngay tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội không có quy định và tôi cho rằng không quy định là đúng, nên tránh là đúng, bởi nó ảnh hưởng tới rất nhiều mặt.
PV:Theo Ban Tổ chức Trung ương, việc chỉ định Bí thư tại Đại hội hoặc ngay sau Đại hội như một số nơi đã thực hiện, có biểu hiện của việc lạm dụng. Theo ông, hệ quả của việc lạm dụng là gì?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Hệ quả rất nhiều, trước hết về tổ chức Đảng ở đó, Ban lãnh đạo ở đó, hình thành nên cấp ủy, nếu còn có dư luận người đó chạy chức chạy quyền được phân công về, hay nhờ con ông cháu cha được đặc cách, tưởng tượng trong một thiết chế làm việc theo chế độ tập thể, anh phải làm việc trong thường vụ, như vậy anh làm việc có dễ dàng không?
Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cách vận hành hệ thống quản trị của địa phương, đặc biệt ở cơ quan có quyền quyết định cao nhất của địa phương. Như vậy không thể nói cách làm đó không có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của địa phương.
Cách làm như vậy có thể gây mất đoàn kết nội bộ. Nếu chuyển người giỏi, có danh tiếng về chắc sẽ không có vấn đề gì, rồi người ta cũng sẽ tâm phục khẩu phục bằng thực tế. Nếu chọn người có trình độ hạn chế, đạo đức tư cách cũng chưa phải là tấm gương, thì rất dễ mất đoàn kết nội bộ, triển khai công việc sẽ khó.
Cách làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, như vậy sẽ rất khó khi triển khai các nghị quyết, bởi cuối cùng người dân là đối tượng thực hiện nghị quyết đó.
Tôi không rõ có trường hợp nào cần thiết đến mức phải chỉ định tại Đại hội, nhưng hạn chế được nó là rất quan trọng. Cuối cùng, một cấp ủy được bầu ra, Bí thư được bầu ra, phải bảo đảm cho người đó sự chính danh, danh chính ngôn mới thuận. Còn quan niệm anh là người của cấp trên cử về, người sáng lạn thì cũng đỡ, chứ người ta nghi ngờ thì rất khó.
Qua 5 bước để lựa chọn, nhân sự tương đối chắc chắn
PV:Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội chúng ta có một quá trình từ quy hoạch, đào tạo kết hợp luân chuyển, vì sao ở một số nơi vẫn lúng túng, bị động?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ quy trình để tiến tới Đại hội có rất nhiều chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương… là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Như vậy, anh triển khai các chỉ thị, nhiệm vụ có thể có vấn đề, hoặc không nghiêm túc và làm hình thức. Công tác quy hoạch cán bộ là cả một quá trình qua 5 bước, nếu làm đúng thì nhân sự phải tương đối chắc chắn. Do bất cứ nguyên nhân nào, thì các bước làm công tác tổ chức cán bộ đã không được tuân thủ. Một nguyên nhân khác, cũng là suy luận, người ta cố tìm cách này cách khác để cài nhân sự của mình, nhưng cài không nổi.
PV:Chỉ định Bí thư tại Đại hội khiến nhiều cán bộ đảng viên lo ngại tình trạng chạy chức chạy quyền. Theo ông, những lo ngại đó có chính đáng hay không?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi nghĩ băn khoăn, lo ngại của họ là chính đáng. Tại sao đã có một quy trình chính danh mà không sử dụng. Đại hội đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cho 5 năm tới. Với kế hoạch đó, đại hội phải chọn được 1 người để thực thi được. Đó là lý do vì sao người đứng đầu gọi là Bí thư, chứ không gọi là bầu Chủ tịch Đảng. Đại hội đề ra thì đại hội phải chọn người thực hiện. Người ta băn khoăn bởi đây có thể là kẽ hở để chạy chức, chạy quyền và thêm nữa là ảnh hưởng đến tính dân chủ, sức chiến đấu và đoàn kết sau này của cấp ủy địa phương.
Để giải quyết được tình trạng này, theo tôi rất đơn giản, Ban Tổ chức Trung ương cần có quy định rõ, trường hợp nào có thể chỉ định, cũng không nên loại hoàn toàn vì thực tế rất phức tạp. Việc quy định rõ là rất quan trọng để sau này không bị lạm dụng, đồng thời cũng không quá cứng để không xử lý được tính huống thực tiễn. Đó là khâu cơ bản. Thêm nữa, những lý luận về việc nhân sự liên quan thế nào đến đại hội để bảo đảm tính chính danh của nhân sự, bảo đảm thành công của đại hội.
PV:Xin cảm ơn ông./.
PV/VOV1
https://vov.vn/chinh-tri/lam-dung-chi-dinh-bi-thu-tai-dai-hoi-se-co-rat-nhieu-he-qua-777692.vov