Văn phòng này sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, là cơ quan tương đương cấp Sở.
Sáng nay (18/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.
Trình bày Tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Nghị quyết quy định việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND ở 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh và Văn phòng UBND cấp tỉnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định Văn phòng này sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, là cơ quan tương đương cấp Sở.
Về cơ cấu, tổ chức, Văn phòng có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Sau khi thống nhất với Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thi đua khen thưởng, kỷ luật Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng.
Nghị quyết cũng quy định Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND có 3 phòng “cứng” là Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng.
Biên chế Văn phòng do địa phương quyết định, bố trí trên cơ sở vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tổng biên chế không vượt quá số lượng hiện nay.
Kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH vẫn do Văn phòng Quốc hội đảm bảo còn kinh phí hoạt động của HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND nằm trong kinh phí của địa phương. Chánh Văn phòng là chủ tài khoản của 2 nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương.
“Dự thảo Nghị quyết đang dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Nghị quyết cũng quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm ổn định tổ chức và nhân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp nhất 2 Văn phòng cũng như bảo đảm quyền lợi của công chức, người lao động./.
Ngọc Thành/VOV.VN