Thủ tướng: Không để người dân ĐBSCL thiếu nước ngọt sinh hoạt

Thứ 5, 24.09.2020 | 03:57:48
648 lượt xem

Chiều 23/9, tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long về các biện pháp chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2020-2021.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố của vùng. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc, chỉ trong vòng 5 năm gần đây, ở đồng bằng sông Cửu Long đã xảy 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.

Nhưng với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai các biện pháp ứng phó từ rất sớm, giúp thiệt giảm sâu. Cụ thể, mùa khô năm 2019-2020, tổng diện tích lúa bị thiệt hại chỉ bằng 14% so với năm 2015-2016. Số hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn chỉ bằng 54%.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tuy vậy, trong mùa khô năm 2020-2021, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long đang bị thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng. Xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực của vùng thì vẫn có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Nguồn nước về ĐBSCL có 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mê Công (bên ngoài lãnh thổ), chỉ có 5% từ nội sinh trong nước. Do vậy, nguồn nước sông Mê Công đóng vai trò cốt yếu đối với tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Song, kể từ đầu mùa mưa đến nay, dòng chảy trên lưu vực sông Mê Công đều ở mức rất thấp do lượng mưa bị thiếu hụt.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương cho biết đang nỗ lực ứng phó hạn, mặn, trong đó cam kết việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, nỗ lực các giải pháp để giúp người dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa khô.  

Không để xảy ra thiếu nước ngọt sinh hoạt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2019, hạn, mặn rất khốc liệt, gay gắt không kém gì năm 2016, nhưng với việc Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt từ sớm, tổ chức hội nghị để thảo luận giải pháp chống hạn, mặn từ tháng 9 năm ngoái, cùng với đó là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự chủ động của nhân dân, đã giúp thiệt hại giảm sâu so với năm 2016. Điều đó còn góp phần làm nên thành công của ngành nông nghiệp năm 2019, nông nghiệp được mùa, được giá.  

Nêu lên điều đó, Thủ tướng nhấn mạnh bài học trong phòng, chống hạn, mặn xâm nhập của mùa khô năm 2020-2021, đó là nếu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động sớm các giải pháp thì thiệt hại sẽ giảm sâu, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo nước sạch cho sinh hoạt. Năm nay, trong khi nhiều nước xuất khẩu gạo giảm thì xuất khẩu gạo của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 đã đạt 4,6 triệu tấn, với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, Thủ tướng đề xuất một số giải pháp ứng phó hạn, mặn sớm cần nghiên cứu thảo luận: "Ví dụ như vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó có đặt vấn đề giảm diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân hay không? Đó là câu hỏi đặt ra. Năm nay là năm nước ta xuất khẩu lương thực đứng đầu thế giới, tự hào lắm, giá tốt. Việc này đi liền với việc tăng sản lượng, tăng diện tích có thể xảy ra, nhất là khi chúng ta xuất khẩu gạo sang EU thuế bằng 0. Nhưng với tình hình hạn, mặn như hiện nay thì việc giảm diện tích vụ Đông Xuân nên đặt ra. Vấn đề thứ hai mà cũng là lý do chúng tôi triển khai sớm hội nghị này, đó là hiện nay đang mùa mưa, thì việc tích trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, để chủ động vận hành các kiểm soát mặn, triển khai nhiều giải pháp trữ nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Đặc biệt cho tưới tiêu, nhất là một số cây nhạy cảm với mặn như cây sầu riêng. Chứ bây giờ nếu làm chậm, nước lũ đồng bằng thấp như vậy mà không trữ làm sao được".

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng mọi cách đảm bảo nước uống, sinh hoạt của người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra.

"Vậy biện pháp nào, chủ trương nào, nhất là ở những khu tập trung đông dân. Tất nhiên là phải đảm bảo các hoạt động bình thường của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi bước vào kế hoạch 5 năm 2021-2025, chúng ta đặt vấn đề rõ hơn về chiến lược phát triển 5 năm đến của đồng bằng sông Cửu Long để chúng ta có “ngọt hóa” cần thiết ở vùng. Chúng ta hoan nghênh Bộ Nông nghiệp cùng các địa phương đã khánh thành được 5 công trình như Trà Sư, Cái Lớn, rồi số công trình khác. Còn năm nay đặt vấn đề như thế nào? Không để nước mặn xâm nhập sâu thì biện pháp nào về mặt thủy lợi?"- Thủ tướng đặt vấn đề.

Cần "thuận thiên"

Thủ tướng cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần nhận thức vấn đề hạn hán, mặn xâm nhập là không thể tránh mà chỉ có thể hạn chế. Từ nay đây phải được coi là câu chuyện bình thường trong đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây vừa là nguy cơ nhưng vừa là thời cơ nếu có giải pháp ứng phó phù hợp.

Nhắc lại việc thực hiện Nghị quyết 120 Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “thuận thiên”, cần sống, sinh hoạt thích nghi với điều kiện và môi trường mới. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng giải pháp phát triển tổng thể phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu Bộ trình Chính phủ trong quý 4 năm nay. Trong đó lưu ý các vấn đề mới của thời đại nhưng nghiêm túc kế thừa các giải pháp và quy hoạch trước đây. 

Riêng với năm nay, Thủ tướng cho biết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp chỉ đạo các địa phương và yêu cầu các địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm với nhân dân, có kế hoạch chủ động ứng phó hạn, mặn. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền các địa phương không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Hoan nghênh Tiền Giang chi ngân sách mua nước ngọt giúp người dân đảm bảo sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản xuất nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, trái cây, thủy sản…

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện tốt giải pháp truyền thông để người dân nhận thức rõ thách thức, cơ hội, giải pháp ứng phó hạn, mặn. Qua đó, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phát huy được tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất như đẩy sớm thời vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, trữ nước, cấp nước sinh hoạt. Tiếp tục thực hiện chủ trương đến năm 2021 cơ bản hoàn thành ngọt hóa ở tỉnh Bến Tre và tiến tới ngọt hóa một số địa phương khác. 

Bên cạnh chống hạn, mặn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương “quên” nhiệm vụ chống lũ, không chủ quan mà phải theo dõi kịp thời, để khi có lũ về thì tinh thần cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Đối với nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp truyền thống, cần có giải pháp thích ứng đối với hạn hán, mặn xâm nhập, kể cả áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, giống cây con. Trong kế hoạch trung hạn, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thành một số công trình cấp bách chống hạn, mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua đó kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc của các địa phương.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phải nhanh chóng có giải pháp đảm bảo nước cho sinh hoạt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây phải là chủ trương, biện pháp trước mắt và lâu dài mà các bộ phải nâng cao trách nhiệm với người dân của vùng./.


Vũ Dũng/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-de-nguoi-dan-dbscl-thieu-nuoc-ngot-sinh-hoat-780829.vov

  • Từ khóa