Khi đánh bắt xa bờ, ngư dân luôn phải đối mặt với tình trạng thời tiết phức tạp trên biển, sự cố hỏng hóc máy móc, trang bị trên tàu và nhiều hiểm họa khác. Giờ đây, bà con thêm vững tin hơn khi luôn có lực lượng hải quân, kiểm ngư Việt Nam đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn nhất.
Khoảng 3 giờ ngày 26/4, Tàu QNa 95654 TS do ông Tô Điệp, 40 tuổi, quê ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm thuyền trưởng cùng 31 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển thềm lục địa phía Nam thì không may gặp giông, lốc lớn khiến tàu bị phá nước, dẫn đến bị chìm. Một ngư dân mất tích, 30 ngư dân còn lại đã bám vào 4 chiếc thuyền thúng và thả trôi trên biển.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đón ngư dân gặp nạn về bờ. Ảnh: Quang Tiến
Sau gần 2 ngày trôi dạt trên biển, đêm 27/4, thuyền thúng dạt vào gần khu vực Nhà giàn DK1/11. Khoảng 20 giờ 48 phút, phát hiện tín hiệu đèn nhấp nháy ở khoảng cách 1.000 m, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/11 đã báo cáo cấp trên và thông báo các tàu của Vùng 2 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ trên biển ứng cứu. Đến 22 giờ cùng ngày, cán bộ, nhân viên Nhà giàn DK1/11 đã đưa 30 ngư dân lên sàn cập tàu an toàn. Tổ quân y nhanh chóng khám, kiểm tra sức khỏe các ngư dân, trong đó 2 ngư dân bị thương nhẹ, 28 ngư dân khác sức khỏe bình thường. Sáng 1/5, Tàu Trường Sa 04, Lữ đoàn 125, Vùng 2 đưa 30 ngư dân trên tàu cá bị nạn về bờ bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình.
Ông Nguyễn Tấn Ty, ngư dân trên Tàu QNa 95654 TS kể lại: “Tàu bị chìm trong đêm, may mà anh em còn kịp bám vào 4 thuyền thúng. Chúng tôi động viên nhau cầm cự với sóng gió, vượt qua ranh giới mỏng manh, mong có một cơ hội được thoát chết về với gia đình. Giờ được đặt chân lên đất liền rồi cứ như nằm mơ vậy, tôi mừng lắm, biết ơn bộ đội hải quân nhiều lắm”.
Sáng 8/9, chúng tôi cùng đại diện các ban, ngành của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đại diện gia đình ngư dân và cán bộ, nhân viên Chi đội Kiểm ngư số 4 có mặt tại cảng Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Mọi người dồn ánh mắt về phía con tàu KN 420 cùng 41 ngư dân trên Tàu QNa 91928 TS gặp nạn đang từ từ cập bến. Không giấu nổi niềm vui, xúc động, nhiều ngư dân chỉ biết ôm chặt lấy người thân. Những giọt nước mắt rơi trong niềm hạnh phúc.
Trước đó, chiều ngày 3/9, Tàu QNa 91928 TS do anh Bùi Văn Quốc, 42 tuổi, quê ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành làm chủ tàu đang khai thác hải sản cách Đông Bắc đảo Thuyền Chài, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 35 hải lý thì bị lốc xoáy nhấn chìm, 44 ngư dân bị hất văng xuống biển.
Nhận được thông tin cứu nạn, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã chỉ đạo các tàu hoạt động trong khu vực và các đảo lân cận triển khai phương án ứng cứu, hỗ trợ ngư dân và tăng cường quan sát, tìm kiếm các ngư dân mất tích. Chi đội Kiểm ngư số 4 đã điều động Tàu KN 420 đang làm nhiệm ở gần đó cơ động đi tìm kiếm, cứu nạn tàu cá và các ngư dân. Tại khu vực tàu cá bị chìm, Tàu QNg 90817 TS vừa cứu vớt được 41 ngư dân bị nạn. Nhằm bảo đảm an toàn cho các ngư dân, cán bộ, nhân viên Tàu KN 420 đã tiếp cận Tàu QNg 90817 TS và đưa các ngư dân của tàu cá bị nạn lên Tàu.
Đồng chí Trần Anh Đức, Thuyền trưởng Tàu KN 420, Chi đội Kiểm ngư số 4 cho biết: Trời tối rất nhanh, sóng to, gió lớn, Tàu QNg 90817 TS lại nhỏ, vì vậy, để 41 ngư dân bị nạn trên tàu là điều rất nguy hiểm. Chúng tôi đã đưa các ngư dân lên tàu kiểm ngư, tạo mọi điều kiện để chăm sóc các ngư dân được tốt nhất, đồng thời tiếp tục tìm kiếm 3 ngư dân còn mất tích.
Cán bộ, nhân viên Tàu KN 420 đã hỗ trợ quần áo, lương thực, thực phẩm, kiểm tra sức khỏe, bố trí chỗ ăn, nghỉ và động viên các ngư dân bị nạn. Những ngư dân bị xây xát, nhiễm trùng được uống kháng sinh, vệ sinh vết thương, bôi thuốc… Tàu KN 420 đã đưa ngư dân vào khu vực gần đảo Thuyền Chài để ngư dân được nghỉ ngơi và tìm phương án đưa ngư dân về bờ. Cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo Thuyền Chài tiếp tục thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh trong quá trình đưa ngư dân bị nạn vào bờ.
Chị Đỗ Thị Ánh Hoa, 40 tuổi, vợ anh Quốc bắt xe từ Quảng Nam vào Cam Ranh đón chồng từ tối hôm trước. Tàu KN 420 cập cảng là lúc chị òa khóc, ôm ghì lấy chồng như sợ anh có thể vuột mất. Sau khi trấn tĩnh lại, chị chia sẻ: “Bà con chúng tôi vô cùng biết ơn các anh Hải quân, Kiểm ngư đã cứu giúp, chăm sóc 41 ngư dân và đưa người thân của chúng tôi trở về”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đại diện chính quyền địa phương ra tận cầu cảng Ba Ngòi đón các ngư dân bị nạn. Ông cảm động: “Trong chuyến tàu của anh Quốc vừa qua, ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, lực lượng hải quân cứu nạn, chăm sóc và đưa về bờ. Đây là động lực tốt để cho ngư dân của Núi Thành nói riêng và ngư dân của chúng ta nói chung tiếp tục bám biển khai thác hải sản, góp phần cùng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.
Tại buổi bàn giao, Thượng tá Trần Mạnh Chiến, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 khẳng định: “Ngư dân vươn khơi, bám biểm không chỉ là để khai thác hải sản, phát triển kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng ngư dân và xác định rằng, cứu giúp ngư dân là mệnh lệnh chiến đấu”.
Đi biển là nghề vô cùng vất vả và đầy rẫy những hiểm nguy nhưng không thể đánh bại ý chí và quyết tâm vươn khơi của những ngư dân luôn lấy nghề biển làm sinh kế. Khi được hỏi sau chuyến này còn đi khơi nữa không, ngư dân Đinh Văn Trúc đã trả lời chắc nịch: “Nghỉ ngơi một thời gian, chúng tôi lại tiếp tục đi biển. Có lực lượng hải quân, kiểm ngư làm điểm tựa, chúng tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều, nhất là lúc đánh bắt xa bờ, xa đảo”.
Từ năm 2016 – 2019, Quân chủng Hải quân đã huy động 473 lượt tàu, 21 lượt máy bay cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển. Vùng 4 Hải quân đã cứu nạn 286 ngư dân, cấp cứu 308 lượt người; cứu kéo và sửa chữa 61 tàu thuyền; khám, cấp thuốc miễn phí cho 7.336 lượt người; giúp đỡ, hỗ trợ hàng nghìn lượt tàu thuyền vào các âu tàu, làng chài tránh, trú bão; hỗ trợ 700 kg lương thực, thực phẩm, 151.100 lít nước ngọt, hỗ trợ 3.000 lít dầu cho ngư dân với giá bằng trong đất liền. |
HOÀNG TRIỆU/baolangson