“Cán bộ trẻ khi được trao quyền cần phải biết “cảnh giác”

Thứ 6, 09.10.2020 | 11:07:36
616 lượt xem

Bản thân mỗi cán bộ dù ở cấp nào cũng phải tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi hôm nay anh tốt thì không có nghĩa ngày mai anh vẫn được nhân dân tin tưởng nếu không chịu rèn luyện, không chịu cống hiến.

Lãnh đạo trẻ cần tránh tư duy “già”

Tính đến ngày 7/10 đã có 15 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong đó có 8/15 Bí thư trong độ tuổi từ 45-50 tuổi. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo giữa lớp thế hệ những cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. 

8/15 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trong độ tuổi từ 45-50 tuổi tính đến ngày 7/10.

8/15 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trong độ tuổi từ 45-50 tuổi tính đến ngày 7/10.

“Tre già măng mọc” – đó là tất yếu của cuộc sống. Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo nào cũng đòi hỏi các cán bộ nắm giữ trọng trách mà cán bộ, đảng viên và nhân dân giao phó có đủ đức, đủ tài, đủ năng lực lãnh đạo để đưa địa phương, đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.

Theo ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, việc nhiều cán bộ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X có thể nói là trẻ, nhưng nhìn rộng ra, đó là độ tuổi đã bắt đầu độ chín, đủ tầm nhìn, đảm đương được vị trí lãnh đạo. Đây cũng chính là nguồn bổ sung cán bộ cấp chiến lược đầy tiềm năng trong tương lai. 

“Việc nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở độ tuổi bằng hoặc dưới 50 tuổi thể hiện dân trí và quan trí ngày càng được nâng lên, năng lực, trình độ của cán bộ ngày càng được nâng lên, cho nên mới có được lớp người trẻ năng động, xông xáo, quyết liệt trong xử lý công việc thì mới được bầu vào vị trí lãnh đạo như vậy” – ông Nguyễn Viết Chức tin tưởng.

Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Song, theo ông Nguyễn Viết Chức, một vấn đề cần phải lưu ý rằng, làm lãnh đạo không bắt buộc phải là trẻ hay già, mà vấn đề là sức khỏe và tư duy của họ có bắt kịp xu hướng phát triển năng động của cuộc sống hay không. Bởi có những người 50 tuổi nhưng có tư duy lại “già” hơn người già, ngược lại có những người 60-70 tuổi nhưng hoạt động cũng như tư duy rất mới, trẻ hơn cả những người 40-50 tuổi. Do đó, dấu mốc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới chỉ là báo hiệu đáng mừng bước đầu, tiếp theo, đòi hỏi cán bộ trẻ phải thường xuyên tự rèn luyện, lăn lộn với cuộc sống để tư duy luôn mới, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, các cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và hơn hết là người tiền nhiệm phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiện tại để đồng chí mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

“Chúng ta tin tưởng, trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ địa phương, các tân Bí thư sẽ tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, để một vài năm nữa chúng ta sẽ đón những tin mừng hơn đó là các địa phương ấy phát triển tốt hơn, an sinh xã hội được nâng lên một bước, kinh tế phát triển tốt hơn”- ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Hôm nay anh tốt nhưng ngày mai có thể tha hóa

Thế hệ cán bộ 7X chủ yếu là những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, được đắm mình trong không khí đổi mới, được đào tạo bài bản không chỉ ở trong nước mà nhiều người còn có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, nên họ được trang bị kiến thức đầy đủ, có điều kiện tiếp cận với quốc tế với nhiều mô hình phát triển khác nhau, vì thế năng lực thích ứng và năng lực hội nhập quốc tế rất nhanh. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, ở lớp cán bộ này cũng có những hạn chế nhất định đó là họ chưa có điều kiện được trải qua những thử thách mang tính sống-chết; bị tác động tiêu cực bởi kinh tế thị trường và nhiều gương xấu, tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo thời gian qua nên ít nhiều cũng ảnh hưởng tới thế hệ sau. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trẻ hóa trong mỗi cấp ủy là cần thiết, song bài học từ những nhiệm kỳ gần đây, việc thực hiện trẻ hóa cán bộ cũng đã phạm phải những sai lầm. Thực tế vừa qua đã có cán bộ được đề bạt khi còn trẻ nên sinh ra chủ quan, cao ngạo, sớm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, bị cám dỗ bởi vật chất, không thực sự xả thân, hy sinh vì quyền lợi tập thể mà chỉ lo thu vén cá nhân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ.

Do đó, yêu cầu đặt ra trong nhiệm kỳ tiếp theo về việc đổi mới công tác cán bộ, kiên quyết không để lọt những người có biểu hiện tham vọng quyền lực, hữu danh vô thực, chạy chức, chạy quyền vào cấp ủy là đòi hỏi tất yếu. Trong đó, phải ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người đề cử, tiến cử. Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật khi người được giới thiệu không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, thậm chí mắc sai phạm.

Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm trong giới thiệu nhân sự, bản thân mỗi cán bộ dù ở cấp nào cũng phải tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi hôm nay anh tốt thì không có nghĩa ngày mai anh vẫn được nhân dân tin tưởng nếu không chịu rèn luyện, không chịu cống hiến. Và luật pháp cũng không dung thứ cho những sai phạm của cán bộ, dù cán bộ đó giữ cương vị nào. 

“Con người bị tác động nhiều chiều trong điều kiện kinh tế thị trường và sự phát triển không ngừng của cuộc sống. Hôm qua chưa có quyền lực trong tay anh vẫn là người tốt, ngày mai có quyền lực có thể anh đã sớm thỏa mãn, tha hóa, hưởng thụ tùy tiện, mất dân chủ, lạm quyền... Những “bệnh” này dễ sinh ra sau khi được tập thể tín nhiệm trao quyền lực. Điều này không loại trừ, nên phải cảnh giác, đặc biệt là lớp trẻ. Là cán bộ trẻ, chưa từng trải nhiều thì càng phải rèn luyện kỹ lưỡng hơn” – ông Nguyễn Viết Chức nói.

Cán bộ lãnh đạo trẻ cần lưu ý rằng, sự nghiệp của mình là lâu dài, tên tuổi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự phát triển của địa phương, đất nước. Tên tuổi của người lãnh đạo sẽ được ghi vào sử sách, nhưng được ghi với bút son đẹp đẽ hay được ghi bằng thứ mực xấu, ranh giới này rất gần nhau nếu như cán bộ không chịu rèn luyện, không chịu tu dưỡng.

Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, để cán bộ trẻ phát triển không bị chệch hướng còn đòi hỏi các cấp ủy Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát; trao quyền lực đi đôi với quản lý, theo dõi, thường xuyên uốn nắn, nhắc nhở giúp cán bộ kịp thời chấn chỉnh, tránh mắc những sai lầm, khuyết điểm như những bài học nhãn tiền thời gian qua./.


Kim Anh/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-tre-khi-duoc-trao-quyen-can-phai-biet-canh-giac-784533.vov

  • Từ khóa