Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 là chiến dịch thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong dòng chảy cách mạng đó, quân và dân tỉnh Lạng Sơn tự hào được đóng góp cho thành công của chiến dịch, góp phần viết nên bản hùng ca cách mạng.
Theo tư liệu lịch sử, sau chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông 1947, quân và dân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi quan trọng, liên tiếp mở nhiều chiến dịch quy mô nhỏ trên các chiến trường, phương thức tác chiến của lực lượng vũ trang từng bước hoàn thiện, từ đánh du kích lên đánh tập trung với quy mô ngày càng lớn, trình độ tác chiến ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta cũng gặp những khó khăn mới. Tháng 6/1949, được Mỹ trợ giúp, thực dân Pháp ráo riết thực hiện Kế hoạch Rơve, tập trung lực lượng mở rộng chiếm đóng vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, ra sức phong toả biên giới hòng ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, bao vây cô lập căn cứ địa Việt Bắc. Với quyết tâm đập tan mưu đồ của thực dân Pháp, đẩy mạnh cuộc kháng chiến phát triển, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới.
Cán Bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh giới thiệu về di tích Khuổi Slao – Bông Lau, xã Chí Minh, huyện Tràng Định cho các đại biểu tham gia chương trình du lịch thăm, khảo sát các điểm di tích ghi dấu chiến thắng Biên giới
Thực hiện quyết định của Trung ương, ngày 7/7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra “Mệnh lệnh mở chiến dịch Biên giới”, lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II, tiến công phòng tuyến địch trên đường số 4, tập trung vào khu vực Cao Bằng – Thất Khê. Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo chiến dịch. Lực lượng tham gia chủ yếu là các đơn vị của Liên khu Việt Bắc và lực lượng vũ trang địa phương hai tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn.
Chiến dịch Biên giới diễn ra qua 3 đợt trong 29 ngày đêm (từ 16/9 đến 14/10/1950). Kết quả, quân và dân ta đã giành chiến thắng vang dội, xóa sổ Liên khu biên giới Đông Bắc của địch; giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông liên lạc với cách mạng Trung Quốc.
Vượt lên khó khăn, gian khổ, với ý chí và nghị lực quật cường, quân và dân Lạng Sơn đã chiến đấu dũng cảm, quên mình, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, là sự đóng góp lớn lao về sức người, sức của cho Chiến dịch toàn thắng. Trung tướng Dương Công Sửu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn cho rằng: Trong Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950, Lạng Sơn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng bởi yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Trong chiến dịch này, ta đã thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn.
Đại biểu tham quan gian trưng bày một số thành tựu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 -2020 tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950 – Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”
Trong những ngày tháng 9, tháng 10 hào hùng khí thế cách mạng, hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã, đang long trọng tổ chức nhiều sự kiện trọng đại liên quan đến kỷ niệm 70 chiến thắng Biên giới Thu – Đông 1950; nhiều huyện của tỉnh Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm ngày giải phóng thị trấn, thị xã như: Thất Khê (Tràng Định) 10/10; Na Sầm (Văn Lãng) 13/10; thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn) 17/10…
Ông Dương Văn Minh, 75 tuổi, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Những ngày qua, chúng tôi theo dõi các sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 trên báo, đài. Là người con của quê hương Tràng Định, tôi thấy rất vinh dự, tự hào. Những hoạt động kỷ niệm, giáo dục truyền thống, tuyên truyền như thế này làm sống lại ký ức của chúng tôi về tuyến đường 4 rực lửa anh hùng.
Chiến thắng Biên giới là minh chứng khẳng định tính đúng đắn của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Đó là một mốc son lịch sử, một bản hùng ca mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã viết nên, trong đó tự hào có quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
THANH HUYỀN - TUYẾT MAI/BAOLANGSON.VN