Đảm bảo cung - cầu hàng hoá dịp cao điểm

Thứ 3, 26.11.2024 | 08:58:01
56 lượt xem

Năm 2024, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây ảnh hướng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cao điểm cuối năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung – cầu hàng hoá.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 không còn nhiều. Đây cũng là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung hàng hoá và bình ổn giá cả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân là vấn đề cấp thiết đang được các cấp, ngành chỉ đạo triển khai.

Ổn định nguồn cung

Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo phòng chuyên môn khảo sát nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhà phân phối để yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch nhập và dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm; bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa; phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Theo đó, ngay từ tháng 10/2024, các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho dịp cao điểm cuối năm; thực hiện nhập những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Đơn cử như Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, đến thời điểm hiện tại công ty đã cơ bản thực hiện xong kế hoạch tích trữ, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bà Lê Thị Minh Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên cho biết:  Ngay từ đầu tháng 10/2024, công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng (tăng 15 đến 20% so với các tháng thường trong năm) và phân phối hàng hóa đến 2.500 cửa hàng, đại lý bán lẻ tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hay như tại siêu thị Đồng Tiến - một trong những siêu thị bán lẻ hàng tiêu dùng lớn của tỉnh, đến nay, siêu thị cũng đã tăng lượng hàng hóa dự trữ hơn 30% so với những tháng khác trong năm để sẵn sàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến cho biết: Hiện nay, tổng giá trị hàng hóa dự trữ của siêu thị khoảng 6 tỷ đồng (tăng 30% so với những tháng thường trong năm) với khoảng 500 mặt hàng thuộc đa dạng các ngành hàng. Trong đó, chúng tôi chủ yếu thực hiện tăng sản lượng tích trữ đối với các nhóm hàng thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Với kế hoạch tích trữ được triển khai sớm (từ tháng 10/2024), đến nay, siêu thị đã cơ bản đáp ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cao điểm trước trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát, tính toán của ngành công thương, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp cao điểm cuối năm đối với một số mặt hàng thiết yếu như: các loại thịt tươi sống khoảng 10.800 tấn (thịt lợn, trâu, bò, cá, gà, vịt…); rau củ quả khoảng 11.700 tấn; bánh, mứt, kẹo khoảng 450 tấn; gạo các loại khoảng 9.000 tấn… Đến nay, lượng hàng hoá được các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh chuẩn bị để cung ứng đã đạt khoảng 70 - 80% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, các đơn vị đều đã có phương án tài chính cũng như lộ trình tiếp tục nhập hàng hoá để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng vào dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cũng tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm. Như hiện tại, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang tăng cường phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo việc sản xuất vụ Đông – Xuân, chăm sóc đàn vật nuôi… hướng đến cung ứng đủ nguồn cung thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt, cá… trong khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao tới đây.

Nhân viên cửa hàng Winmart+ tại đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn sắp xếp hàng hóa lên kệ hàng

Bình ổn giá

Song song với các giải pháp ổn định nguồn cung hàng hoá, ngành công thương cũng khuyến khích, vận động các doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối và thực hiện bán hàng bình ổn giá.

Ông Đặng Văn Dũng, Quản lý hệ thống Winmart+ tại Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã thực hiện tích trữ hàng hóa với tổng giá trị trên 18 tỷ đồng. Đồng thời, để đảm bảo mọi người tiêu dùng đều tiếp cận được sản phẩm của Winmart+, chung tôi đã cân đối điều tiết hài hoà các mặt hàng tại tất cả 14 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo nhu cầu tiêu dùng và mật độ dân cư từng khu vực đã được khảo sát, tính toán trước đó. Cùng với đó, chúng tôi cam kết thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá, tại các cửa hàng còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn áp dụng từ nay đến thời điểm cuối năm như: mua 1 tặng 1; giảm 49% đối với một số sản phẩm đồ uống, thực phẩm bao gói sẵn; giảm từ 20 – 36% đối với các mặt hàng rau, củ quả, thịt lợn...

Bên cạnh các kênh bán lẻ lớn, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng chủ động thực hiện các biện pháp bán hàng bình ổn với giá cam kết thấp hơn giá bình quân trên thị trường từ 5 đến 10%; kết nối, mở rộng kênh phân phối; tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng hóa về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa...

Ông Trần Thế Kiên, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú cho biết: Hiện nay, công ty đang có mạng lưới phân phối hàng hóa đến khoảng 2.000 đại lý bán lẻ tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn bàn tỉnh. Để phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm, chúng tôi đảm bảo bán hàng với mức giá bình ổn; triển khai các chương trình ưu đãi, bán hàng với giá thấp hơn giá bình quân thị trường từ 5 đến 10% đối với một số sản phẩm; chú trọng phân phối các mặt hàng Việt phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, nước ngọt, dầu ăn, đường...; đồng thời tổ chức các chuyến xe đưa hàng hóa về các đại lý, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa với tần suất 24 xe/tuần. Dự kiến, trong thời điểm cận tết, công ty sẽ tăng lượng xe chở hàng hóa phân phối lên 30 xe/tuần.

Qua theo dõi của ngành công thương, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung và giá cả hàng hoá trên thị trường cơ bản duy trì ổn định, chưa có sự tăng giá đột biến hay thiếu hụt mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hoá lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thiên Phú hay các siêu thị hàng tiêu dùng lớn đều đã chủ động tích trữ hàng hoá, xây dựng kênh phân phối và cam kết thực hiện bán hàng bình ổn trong dịp cao điểm từ nay đến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đảm bảo bình ổn thị trường trong khoảng thời gian cao điểm tới đây, sở chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác khảo sát, nắm bắt tình hình biến động về giá cả, nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp bình ổn thị trường; đề nghị những doanh nghiệp, nhà phân phối chủ động tích trữ hàng hoá, cam kết bán hàng bình ổn giá, có biện pháp kịp thời điều tiết hàng hoá từ nơi dư thừa đến nơi thiếu hụt; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng cao để tăng giá bất thường, hay kinh doanh những mặt hàng kém chất lượng, từ đó vừa đảm bảo cân bằng cung - cầu hàng hoá vừa tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Thời gian đến dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 không còn nhiều, với sự chủ động của các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung cũng như kích cầu cầu tiêu dùng, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh đã và đang được duy trì ổn định, hàng hoá phong phú, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ngày 6/11/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 511/TB-VPCP về nội dung Kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024. Trong đó, từ nay đến hết năm 2024, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương và Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến, tình hình nguồn cung, giá cả hàng nông sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi; kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường; thực hiện các giải pháp được giao về hỗ trợ khôi phục sản xuất, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm; phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dam-bao-cung-cau-hang-hoa-dip-cao-diem-5029188.html

  • Từ khóa