Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong suốt chặng đường 90 năm lãnh
Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, công tác dân vận của tỉnh Lạng Sơn cũng không ngừng trưởng thành và phát triển. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Hoàng Văn Thụ, người con ưu tú của Xứ Lạng đã trở thành một trong những người đảng viên đầu tiên của Đảng. Chi bộ Đảng vùng núi biên giới Việt – Trung, trực tiếp là đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tích cực vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Các chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh được thành lập ở Thụy Hùng, châu Văn Uyên năm 1933; châu Bắc Sơn năm 1936 và ở huyện Tràng Định năm 1938 đã thực hiện chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp, làm nên cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử tháng 9/1940 – tiền đề cho tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào thực tiễn địa phương. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy các đoàn thể “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc” đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái tham gia các đội tự vệ chiến đấu, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đóng góp, dự trữ lương thực, thực phẩm cho kháng chiến, góp phần quan trọng vào các chiến thắng đường 4, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn tháng 10/1950; lực lượng bộ đội, dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong là con em các dân tộc Lạng Sơn đã có mặt khắp các chiến trường tiến về Tây Bắc, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954.
Nhân dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình góp sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: TRÍ DŨNG
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để thực hiện chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng, Đảng bộ Lạng Sơn đã không ngừng chú trọng lãnh đạo công tác dân vận, tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực động viên Nhân dân, huy động tối đa sức người, sức của cho phát triển kinh tế – xã hội. Với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai, vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã không ngừng đóng góp công sức củng cố hậu phương vững mạnh, kịp thời chi viện cho chiến trường. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh tích cực bảo quản, vận chuyển hàng hóa viện trợ của các nước qua Lạng Sơn chi viện cho tiền tuyến. Trong thời khắc lịch sử năm 1972, khi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Cảng Hải Phòng bị giặc Mỹ phong tỏa bằng bom mìn, thủy lôi, Lạng Sơn thực sự trở thành “cảng nổi” kiên cường, lập thành tích vẻ vang, góp phần liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Giai đoạn 10 năm thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 – 1985), Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn phải đối mặt với những thử thách của nền kinh tế suy giảm do hậu quả của cơ chế quan liêu, bao cấp, của thiên tai tàn phá, tình hình biên giới luôn diễn biến phức tạp bởi các hành động xâm lấn từ phía Trung Quốc, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực của Nhân dân các dân tộc quyết tâm vượt lên mọi khó khăn thách thức, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, xứng đáng là mảnh đất phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, công tác dân vận đã không ngừng đổi mới để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và của tỉnh, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, công tác dân vận của toàn Đảng bộ đã có sự chuyển biến quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của công tác dân vận được nâng lên. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đã tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi và yêu cầu chính đáng của người dân. Công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước được chú trọng, triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với Nhân dân”. Thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia giám sát, góp ý đối với tổ chức đảng, chính quyền. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 4.198 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: 1.781 mô hình tập thể, 2.417 mô hình cá nhân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội chú trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển và nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các phong trào, hoạt động hướng mạnh về cơ sở góp phần tạo sự đoàn kết đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Mô hình trồng quýt kết hợp du lịch tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TRÍ DŨNG
Kế thừa truyền thống quý báu và thành tựu đạt được trong 90 năm qua, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, trong thời gian tới, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các tầng lớp Nhân dân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân; tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” ngay từ cấp cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, tránh để hình thành các điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội.
Ba là, phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể. Quan tâm lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể; kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội phát động. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, cổ vũ và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực..
Năm là, tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.
Tiếp nối lịch sử vẻ vang 90 năm công tác dân vận của Đảng, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp trong tỉnh cần ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
GIÁP THỊ BẮC (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy)
Theo baolangson.vn