Đại biểu Quốc hội: "Nếu phải bổ sung ngân sách cho vùng lũ, chúng tôi ủng hộ"

Chủ nhật, 25.10.2020 | 09:12:43
507 lượt xem

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ trong việc giúp người dân khắc phục khó khăn trong mùa lũ.

Ngay sau buổi làm việc sáng 24/10 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung để khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất, bên lề phiên họp Quốc hội, các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng, Chính phủ trong khắc phục hậu quả thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con vùng lũ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con vùng lũ.

Các đại biểu đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ cho 5 tỉnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng; xuất cấp 20 xuồng cao tốc, gần 400 nhà bạt, trên 23.100 phao cứu sinh. Đây là sự hỗ trợ cần thiết để người dân vùng lũ giải quyết lương thực trước mắt và tiếp tục đối phó với cơn bão số 8 sắp diễn ra. Thực trạng nhiều nơi sau lũ đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác bị tàn phá nghiêm trọng.

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cần phải tính đến việc bổ sung ngân sách cho các tỉnh bị thiệt hại nặng nề: “Ngay bây giờ, quan trọng nhất chúng ta phải khắc phục môi trường, Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là bộ y tế phối hợp tốt với Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, Chính quyền địa phương. Chúng ta phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường để chống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm nước sạch quay trở lại cho bà con, cung cấp điện, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống. Về lâu dài, phải có chính sách để hỗ trợ, để có nguồn lực khôi phục sản xuất. Ít nhất phải trợ cấp cho những người khó khăn, hoặc là hỗ trợ để vay vốn. Trong những trường hợp như vậy nếu trình Quốc hội, chúng tôi sẽ sẵn sàng có ý kiến biểu quyết để bổ sung ngân sách cho các tỉnh này.” - Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh 

Đại biểu Đỗ Văn Sinh 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng cùng với giải quyết những vấn đề trước mắt, cần thiết hỗ trợ người dân các phương án khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp: “Thời điểm này dịch bệnh rất dễ xảy ra do môi trường ô nhiễm, do người dân vừa rồi bị thiếu ăn, thiếu ở, thiếu mặc, nên việc phòng chống dịch bệnh, thăm khám sức khỏe cho nhân dân rất cần thiết."

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng cho rằng, phải có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho người dân phục hồi sản xuất, hỗ trợ cây giống, vật nuôi. Những gia đình bị thiệt hại nặng, mất nhà, mất cửa thì có chính sách hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa. 

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, các đại biểu cũng cho rằng, việc huy động tinh thần tương thân tương ái từ nhân dân, tinh thần thiện nguyện “lá lành đùm lá rách” là rất cần thiết. Tuy nhiên cần tổ chức để việc hỗ trợ này đạt hiệu quả cao, đến đùng đối tượng. Về nội dung này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn Nam Định nhấn mạnh: Thời gian tới khi Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, được sửa đổi theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng, chắc chắn nguồn lực xã hội hỗ trợ khắc phục khó khăn sẽ được phát huy hơn nữa. 

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng, đây là sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay của Thủ tướng. Tôi đánh giá cao việc chỉ đạo này của Thủ tướng. Mong rằng bộ Tài chính theo sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ khẩn trương tiến hành sửa đổi Nghị định 64 càng sớm càng tốt. Để Nghị định 64 ban hành từ năm 2008 đến nay không còn phù hợp nữa và cần sửa đổi ngay để đáp ứng tình hình kịp thời.”/.


Nguyên Nhung/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/dai-bieu-quoc-hoi-neu-phai-bo-sung-ngan-sach-cho-vung-lu-chung-toi-ung-ho-812525.vov

  • Từ khóa