Một trong những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần qua là Chỉ thị số 33/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Một trong những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ tuần qua là Chỉ thị số 33/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Ảnh minh họa |
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; tổ chức tốt hệ thống kênh bán lẻ, giảm thiểu chi phí trung gian, bảo đảm thông suốt từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng; tăng cường gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với các chương trình bình ổn thị trường, giá cả; bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng cường phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng người dân không được về quê ăn Tết do không có tàu, xe...
Quy định mới về khung giá đất
Theo Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất được Chính phủ ban hành, mức giá tối đa đối với đất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 162 triệu đồng/m2.
Nghị định quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng duyên hải Nam Trung bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được thẩm định công nghệ
Chính phủ ban hành Nghị định 95/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 29 yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ...
Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Về giống cây trồng, Nghị định quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng...
Trong đó, Nghị định quy định chi tiết điều kiện về sản xuất, buôn bán giống cây trồng. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 của Luật Trồng trọt.
Đảm bảo từ 1/7/2020 Luật Dân quân tự vệ được thực hiện thống nhất trên cả nước
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số1811/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/7/2020 Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công bảo đảm kết nối, tích hợp
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Để Cổng dịch vụ công quốc gia hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp giữa nội bộ các cơ quan để từ đó đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm; tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ, địa phương mình để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đẩy mạnh thanh toán điện tử.
Thủ tướng chỉ đạo ban hành Nghị định về kinh doanh vận tải bằng ô tô trước 30/12/2019
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ rà soát dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Để bảo đảm tính khả thi của Nghị định, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường bộ, cũng như bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh vận tải; tạo hành lang pháp lý chung để các đơn vị kinh doanh vận tải tự do lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét, cho ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 30/12/2019.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2019 - 2020, nhất là chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời.
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết nguyên đán Canh Tý
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân tăng cao, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết.
Khẩn trương báo cáo Thủ tướng tình hình giá thịt lợn
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 về Kế hoạch hành động quốc gia quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/01/2020.