Theo Thủ tướng, hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có vai trò quan trọng nhất của cả nước trong kết nối với Trung Quốc, Trung Á và châu Âu, thuận lợi phát triển kinh tế cửa khẩu.
Chiều 21/4, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Lạng Sơn giữ vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá Lạng Sơn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế; là vùng đất địa đầu Tổ quốc, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực, cầu nối quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, ASEAN, Trung Quốc và châu Âu; có lợi thế lớn trong phát triển dịch vụ - thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch.
Hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng nhất của cả nước trong kết nối với Trung Quốc, Trung Á và châu Âu, thuận lợi phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là các dịch vụ thương mại, logistics và vận tải, có tiềm năng phát triển du lịch.
Theo Thủ tướng, Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, Lạng Sơn cần chú trọng, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng, ngành kinh tế mũi nhọn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Nguyễn Hải).
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho biết, Lạng Sơn cần phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Lạng Sơn phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội...
Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng mong muốn quốc lộ 4B nâng cấp phải làm nhanh, sớm hoàn thiện.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá đây là tuyến giúp Cao Bằng, Lạng Sơn "có biển" nhờ kết nối với cụm cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh và hai cao tốc Hải Phòng đi Móng Cái, Hà Nội đến Lạng Sơn.
Xây dựng Lạng Sơn với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Ghi nhận các ý kiến của Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn cho biết quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.
Quy hoạch sẽ mở rộng cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh, sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái bảo đảm.
Lạng Sơn còn phấn đấu trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Lạng Sơn là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn song song với việc xây dựng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh đã xác định cụ thể phương án bố trí, sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội theo định hướng 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế - xã hội cho cả thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là điểm mới, khác biệt, có tính đột phá chiến lược, vừa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế và cơ hội cho sự phát triển cho tỉnh Lạng Sơn.
Ông Thiệu cho biết thêm, tỉnh này tập trung thu hút đầu tư, trọng điểm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh; năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics…
Theo dantri.com.vn