Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ bảy, hôm nay (25-5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”
Chương trình làm việc cụ thể hôm nay, thứ Bảy, ngày 25-5: Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Buổi chiều: Từ 14 giờ 00 phút đến 15 giờ 00 phút: Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung trên; Từ 15 giờ 00 phút: Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); (2) Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. |
Hôm qua, thứ Sáu, ngày 24-5, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy. |
Buổi sáng
Mở đầu phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn rạng sáng ngày 24-5-2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đầu giờ sáng ngày 24-5-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn công tác do Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn đầu đến hiện trường và bệnh viện để thăm hỏi, động viên các gia đình người bị nạn, đội ngũ bác sĩ và lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các lực lượng chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương, kịp thời giúp đỡ gia đình người bị nạn sớm ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống; đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các lực lượng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong cả nước; hướng dẫn và thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy, nổ.
Dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 13 lượt ý kiến đại biểu phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về lưu trữ; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; lưu trữ tư; thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; lưu trữ tài liệu điện tử; hủy tài liệu lưu trữ; chứng chỉ hành nghề lưu trữ; hoạt động dịch vụ lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt; các hành vi bị nghiêm cấm; về quy định “Ngày Lưu trữ Việt Nam”; kho lưu trữ số; nguồn nhân lực làm công tác lưu trữ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều
Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; (2) Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Theo qdnd.vn