Nhấn mạnh yếu tố con người, Thủ tướng dẫn chứng ở nhiều dự án giao thông, thay vì phải làm rất nhiều việc thì chỉ cần thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo, tình hình sẽ thay đổi tích cực.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong phiên thảo luận tổ chiều 25/5, về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Dành nhiều thời gian để nói về đầu tư hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính ví von cả nước đang "như một công trường" triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
"Cả đất nước như một công trường, xây dựng hàng loạt cao tốc đi qua 45 tỉnh/thành", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5 (Ảnh: Phạm Thắng).
Điểm lại một loạt tuyến đường cao tốc đã và đang triển khai trên cả nước, Thủ tướng chia sẻ quan điểm "vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng và tháo gỡ dần".
"Trong đầu tư phát triển hạ tầng cần thời gian mới cho thấy được lợi ích, mới tạo được không gian phát triển, xây dựng khu công nghiệp, do đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì mới có kết quả", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tới đây cần tiếp tục tập trung mạnh mẽ cho các đột phá chiến lược, gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng và đào tạo nhân lực.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, theo Thủ tướng, Quốc hội và Chính phủ đã rất tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thể chế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Đặc biệt, trong triển khai các tuyến cao tốc, thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến tách khâu giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, cấp phép các mỏ nguyên vật liệu thông thường cho dự án.
Phiên thảo luận tại Tổ 8 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành (Ảnh: Phạm Thắng).
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định khi đã có mặt bằng, tập trung cao độ triển khai dự án với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm việc cả ngày nghỉ, xuyên lễ, xuyên Tết…, tiến độ các dự án sẽ bảo đảm, thậm chí vượt.
"Cầu Mỹ Thuận 1 trước đây phải đi vay để làm, do nước ngoài thi công chính, nhưng đến dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn toàn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Chúng ta đã tự làm cây cầu dài hơn, to hơn, cao hơn, rộng hơn, đẹp hơn nhưng lại rẻ hơn và thời gian ngắn hơn so với cầu Mỹ Thuận 1", Thủ tướng dẫn chứng.
Trong tổ chức thực hiện, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yếu tố con người. Ông chia sẻ thực tế, nhiều đơn vị, nhiều công trình, dự án cho thấy thay vì phải làm rất nhiều việc, chỉ cần thay thế một vài người trong bộ máy lãnh đạo, tình hình đơn vị, việc triển khai các dự án, công trình sẽ thay đổi hẳn theo hướng tích cực.
Với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thủ tướng khẳng định đây là con đường chiến lược, kết nối các tuyến cao tốc để tiến tới Tây Nguyên nhanh nhất.
Tinh thần chỉ đạo chung với các dự án cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh là hướng tuyến cần thẳng nhất, ngắn nhất có thể và tránh khu dân cư, không bám theo đường cũ. Điều này giúp giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.
Theo dantri.com.vn