Ngoài phụ nữ, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới

Thứ 2, 24.06.2024 | 15:00:18
425 lượt xem

Theo Đại biểu Quốc hội, nạn nhân nam giới cũng là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm.

Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm

Nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng giới trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây vẫn là những quy định mang tính chất chung chung, chưa thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo giới tính trong phòng, chống mua bán người.

"Phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục; trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm", đại biểu Tráng A Dương cho hay.

Ngoài phụ nữ, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới - 1

Đại biểu Tráng A Dương (Ảnh: Quốc hội).

Trước những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, mà lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác.

Theo đại biểu, như vậy sẽ lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp và thân thiện, thiếu quy định về quản lý các trường hợp và quy trình hỗ trợ nạn nhân đặc thù; đặc biệt thiếu hẳn quy định đón tiếp trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ bị mua bán để chờ xác minh, xác định nạn nhân.

Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm.

Còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm hơn.

Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

Tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng.

Từ đó, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người.

Qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Ngoài phụ nữ, cần quan tâm nạn nhân mua bán người là nam giới - 2

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (Ảnh: Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngoai-phu-nu-can-quan-tam-nan-nhan-mua-ban-nguoi-la-nam-gioi-20240624120710860.htm

  • Từ khóa