Với bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc WEF Đại Liên trước 1.700 khách mời từ 80 quốc gia, Thủ tướng đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về đổi mới, hội nhập và phát triển.
Chiều 27/6, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc.
Lần thứ ba liên tiếp dự Diễn đàn Kinh tế thế giới của Thủ tướng đã cho thấy sự tín nhiệm cao của quốc tế với vai trò, vị thế của Việt Nam.
Việt Nam là ngọn hải đăng về phát triển kinh tế
Trao đổi với báo chí sau chuyến đi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh nhiều kết quả và dấu ấn của Việt Nam tại Hội nghị lần này.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong hai người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Hồng Phong).
Tại Hội nghị này, Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam đã mang đến thành phố cảng Đại Liên nhiều thông điệp quan trọng, cả tại Hội nghị cũng như trong tiếp xúc với các đối tác.
Với điểm nhấn là bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể trước khoảng 1.700 khách mời từ 80 quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thủ tướng cũng chuyển tải những thông điệp sâu sắc, rõ nét về những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, về chủ trương, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Thủ tướng đã có những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc với các đối tác và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
"Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực", theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhiều kinh nghiệm về bài học thành công của Việt Nam tại Diễn đàn WEF Đại Liên 2024 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Ông nhấn mạnh những chia sẻ của Thủ tướng được các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua sự hứng khởi, quan tâm, mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhất là trong những ngành lĩnh vực mới.
Củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc
Cũng trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.
"Kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện", Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Phương diện thứ nhất, theo ông Bùi Thanh Sơn, là duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Dương Giang).
Theo đó, Thủ tướng khẳng định củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, xác định đây là phương hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Hai bên bày tỏ quyết tâm cao, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, toàn diện và thực chất, cùng hướng tới dấu mốc quan trọng năm 2025, dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc.
Hai là, trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hợp tác thời gian qua, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thời gian tới.
Trong đó, hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường", nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam.
Hai bên cũng thống nhất đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, nhất là thương mại nông sản; trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế biên giới; thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường chụp ảnh chung trước khi bắt đầu hội đàm (Ảnh: TTXVN).
Thứ ba, theo Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển quan hệ.
"Hai bên nhất trí coi đây là một "công trình hệ thống" để dày công thúc đẩy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc được không ngừng được kế thừa, trao truyền và phát huy", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Phương diện thứ tư được Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh là xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng, không để vấn đề bất đồng ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
Theo dantri.com.vn