Sáng 13/7, tiếp tục chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát, kiểm tra tình hình thi công Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng trên địa bàn thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. |
Thăm, kiểm tra Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu huy động tổng lực địa phương vào cuộc hỗ trợ công trình, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng thanh niên, phụ nữ.
Về việc vướng các công trình kỹ thuật như cột điện, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương giải quyết, mời các đơn vị liên quan như điện lực tham dự cuộc họp chiều nay (13/7). Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu bổ sung nút giao trên tuyến cao tốc này để tạo thuận lợi cho việc đi lại, đồng thời mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ triển khai Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. |
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình, các yêu cầu kỹ mỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình triển khai Dự án Thành phần 3 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Nút giao quốc lộ 61C, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ triển khai Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. |
Nói chuyện với cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng chỉ đạo làm "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", nhận thức đây là vinh dự, trách nhiệm làm công trình trọng điểm cho đất nước; do đó các đơn vị, nhất là nhà thầu Binh đoàn Trường Sơn cần phát huy truyền thống hào hùng của Bộ đội Trường Sơn. Nhiệm kỳ này phấn đấu hoàn thành 600km đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ tới tiếp tục đầu tư xây dựng 600km nữa. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở thêm nút giao để tạo thuận lợi cho lưu thông. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển tạo việc làm, sinh kế cho người dân, mở ra không gian phát triển mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo thuận lợi cho cuộc sống của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trường Dự án Thành phần 2 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Nút giao Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. |
Sau khi đi thị sát công trường, tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành, Ban quản lý dự án, nhà thầu, các đơn vị liên quan về tiến độ triển khai dự án.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình triển khai dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành 600km đường cao tốc cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiệm kỳ này, cùng với đó là các cảng biển, thủy nội địa, tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho khu vực. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn nữa. Thủ tướng biểu dương các địa phương, đơn vị đã nỗ lực khảo sát hướng tuyến; nỗ lực tìm nguồn vốn cho dự án trong điều kiện khó khăn; nỗ lực hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; nỗ lực tìm đủ nguồn cát, đá, sỏi cho công trình. Đến nay, các cơ sở pháp lý đã được khơi thông, tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh trong khu vực có mỏ nguyên liệu thì tiếp tục mở rộng mỏ cũ, mở thêm mỏ mới, còn khó khăn gì thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ. Liên quan các công trình hạ tầng kỹ thuật, các cơ quan, đơn vị chức năng địa phương phải xử lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới động viên cán bộ, công nhân trên công trường Dự án Thành phần 3 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tại Nút giao quốc lộ 61C trên địa bàn xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. |
Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu dự án phải tích cực hơn nữa; tiếp tục sử dụng các nhà thầu địa phương để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương lớn mạnh. Thủ tướng đề nghị Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng như thanh niên, phụ nữ, các đoàn thể phục vụ thi công công trình, quan tâm điều kiện ăn ở cho cán bộ, công nhân trên công trường; hỗ trợ nhân công. Thủ tướng lưu ý các địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ này phát triển đột phá về hạ tầng, tỉnh phải làm, huyện phải làm, xã phải làm. Nếu tất cả làm tốt thì chúng ta sẽ lấy lại tiến độ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên cán bộ, công nhân trên công trường thi công Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tại Nút giao quốc lộ 61C, xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A. |
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh quan tâm người dân trong vùng dự án; yêu cầu tinh thần thừa thắng xông lên, phát huy khí thế, hoàn thành dự án, khắc phục mọi hạn chế, bất cập. Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã, doanh nghiệp, người dân đều phải vào cuộc tích cực. Đối với các cảng lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai, Thủ tướng yêu cầu cần mở rộng, phát triển hơn nữa; cùng với đó là ngăn mặn, chống sụt lún, chống hạn hán. Muốn vậy phải huy động nguồn lực tổng thể; lưu ý công nghiệp hoá nông thôn, để người dân Đồng bằng sông Cửu Long không phải ly hương mà làm giàu trên mảnh đất của mình.
* Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022; dài 188,2km, quy mô phân kỳ 4 làn xe; sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù gồm: cơ chế chỉ định thầu; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 về triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, Ban Quản lý dự án, các đơn vị nhà thầu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang về Dự án thành phần 3 cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. |
Trên tuyến bố trí 18 nút giao (trung bình 10km/1 nút); đến nay đã giải phóng mặt bằng và đang thi công 15 nút giao, 3 nút giao còn lại đang chờ dự án đường kết nối nên chưa xác định được ranh giới giải phóng mặt bằng. Trên tổng chiều dài 188km có tổng số 28,7km/133 cầu (An Giang 33 cầu/9,2km; Cần Thơ 30 cầu/7km; Hậu Giang 24 cầu/5,6km; Sóc Trăng 46 cầu/6,9km. Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Tổng nhu cầu cát đắp nền cho Dự án khoảng 29 triệu m3. Phương án xử lý như sau: Đối với tỉnh An Giang: nhu cầu 9,3 triệu m3; đã xác định 5,9 triệu m3; còn lại khoảng 3,4 triệu m3 sẽ hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ của địa phương. Cần Thơ: nhu cầu 7,0 triệu m3, An Giang đã hỗ trợ 3,3 triệu m3; phần còn thiếu (3,7 triệu m3) đã được Tiền Giang đồng ý hỗ trợ. Hậu Giang: nhu cầu 6,0 triệu m3, An Giang đã hỗ trợ 2,6 triệu m3; phần còn thiếu (3,4 triệu m3) đã được Bến Tre đồng ý hỗ trợ. Sóc Trăng: nhu cầu 6,6 triệu m3, đã xác định đủ nguồn cung tại 7 mỏ của địa phương. Hiện nay, đã hoàn thành thủ tục khai thác 1 mỏ, tuy nhiên chất lượng cát không đạt yêu cầu. Sóc Trăng dự kiến sử dụng cát biển để đắp nền.
Như vậy, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu) nên cần nâng công suất. Vì vậy, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu, đề nghị Hậu Giang và Cần Thơ chủ động phối hợp với An Giang, Bến Tre, Tiền Giang (các địa phương cung cấp cát) để xem xét nâng công suất khai thác, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục khai thác (như Tiền Giang rút ngắn còn 6 thủ tục và thời gian hoàn thành thủ tục để khai thác là 2 tháng); đồng thời, cân nhắc thêm phương án sử dụng cát biển để đáp ứng tiến độ và bù phần công suất thiếu hụt, đặc biệt là tại khu vực giáp ranh với biển (khu vực Trần Đề-Sóc Trăng).
Dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6/2023 (mỗi DATP khởi công 1 gói thầu). Đến tháng 12/2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu. Lũy kế sản lượng thi công toàn Dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng; trong đó: An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5,0%, Sóc Trăng đạt 2,3%.
Kết quả nêu trên cho thấy, mức độ hoàn thành của các địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cát giai đoạn đầu thì công tác điều hành, chỉ đạo của địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt, chưa khoa học. Trong điều kiện khó khăn về nguồn cát, một số địa phương đã chủ động đẩy nhanh thi công các công trình cầu, các cấu kiện… nên sản lượng thi công và giải ngân tốt hơn. Vì vậy, đề nghị các chủ đầu tư cần sâu sát, quyết liệt để có phương án thi công các công việc phù hợp trong thời gian chờ vật liệu cát…
* Trước đó, sáng cùng ngày, hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Cần Thơ. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Đoàn công tác kính cẩn dâng hương, dâng hoa, nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng và các đại biểu nguyện phát huy truyền thống Anh hùng, đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo nhandan.vn