Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Canada lên Đối tác Chiến lược hồi năm 2023. Theo ông, điều này mở ra kỷ nguyên mới với những cơ hội cho quan hệ hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Canada và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21 tại Thủ đô Vientiane (Lào) ngày 10/10.
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Canada về Thúc đẩy kết nối và tự cường, lãnh đạo các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong quan hệ hai bên kể từ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược năm 2023.
ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Canada. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20,35 tỷ USD; tổng đầu tư FDI từ Canada vào ASEAN đạt 3,39 tỷ USD.
Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định quyết tâm cùng ASEAN hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Canada vào năm 2025 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm và quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định quyết tâm cùng ASEAN hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Canada vào năm 2025, mang lại lợi ích thiết thực và thịnh vượng cho người dân.
Ông cũng cho biết Canada sẽ thực hiện hiệu quả các cam kết và ưu tiên hợp tác, như sáng kiến Cửa ngõ Thương mại Canada tại Đông Nam Á trị giá 24 triệu đô-la Canada (CAD), cũng như giải ngân hiệu quả Quỹ tín thác ASEAN - Canada trị giá 1 triệu CAD cho các chương trình, dự án hợp tác hai bên.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ý nghĩa của việc nâng cấp Đối tác Chiến lược ASEAN - Canada năm 2023. Theo ông, điều này mở ra kỷ nguyên mới với những cơ hội cho quan hệ hai bên.
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng để phát triển quan hệ hai bên thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 định hướng để phát triển quan hệ với ASEAN (Ảnh: Đoàn Bắc).
Theo đó, ASEAN và Canada cần ưu tiên tăng cường kết nối giao thương, đầu tư, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Canada trong năm 2025 cũng như tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, cần ưu tiên kết nối người dân, mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo, hỗ trợ ASEAN phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cấp thêm học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước ASEAN đến Canada nghiên cứu và học tập.
Để phát triển Đối tác chiến lược ASEAN - Canada tự cường mạnh mẽ hơn, Thủ tướng đề nghị Canada đẩy mạnh hợp tác nâng cao khả năng chống chịu trước thách thức của biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nước ASEAN và đặc biệt là tiểu vùng Mekong trong chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Canada cần tham gia hỗ trợ ASEAN đẩy mạnh hơn nữa phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh mạng.
Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN và Canada nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Thúc đẩy Kết nối và Tự cường ASEAN.
Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21, lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao cam kết của Ấn Độ đặt ASEAN ở vị trí trung tâm trong Chính sách Hành động Hướng Đông cũng như trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100,7 tỷ USD; đầu tư FDI của Ấn Độ vào ASEAN đạt 5,63 tỷ USD. Lượng khách du lịch Ấn Độ vào ASEAN năm 2023 đạt 4,29 triệu lượt - tăng mạnh so với mức 2,39 triệu lượt của năm 2022.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Ấn Độ, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế biển xanh, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao năng lực y tế…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Ấn Độ tiếp tục vun đắp nền tảng chung về văn hóa, xã hội, con người, phát triển quan hệ hai bên ngày càng vững mạnh, toàn diện.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề nghị ASEAN và Ấn Độ cùng thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ứng phó thách thức chung.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Theo Thủ tướng, hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, phát triển bứt phá, phát huy những thế mạnh có tính hỗ trợ lẫn nhau và mở cửa thị trường của nhau hơn nữa.
Kết thúc Hội nghị, các lãnh đạo thông qua Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực và Tuyên bố chung về thúc đẩy chuyển đổi số.
Ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc.
Theo dantri.com.vn