Thành ủy Hà Nội phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô

Thứ 6, 11.10.2024 | 14:48:02
470 lượt xem

Sáng 11-10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, từ trụ sở UBND thành phố tới các sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn; với khoảng 30.000 đại biểu tham dự.

Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội…

Thành ủy Hà Nội phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô
 Các đại biểu dự hội nghị ở điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9-11-2024).

Thành ủy Hà Nội phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Thủ đô, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết: Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.

Luật đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND thành phố hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 1 phó chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).

Đối với UBND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Thành ủy Hà Nội phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô

Quang cảnh Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 11-10.

Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố, luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Luật cũng xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật cũng mở ra “kỷ nguyên mới” trong phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội theo hướng cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Với các dự án hạ tầng giao thông lớn, điểm đáng quan tâm nhất là Điều 43, Luật Thủ đô (sửa đổi) với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công”. Như vậy, "nút thắt" giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội được tháo gỡ…

* Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng, ban hành Luật Thủ đô.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thanh-uy-ha-noi-pho-bien-quan-triet-luat-thu-do-798307

  • Từ khóa